Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Vô thần

VÔ THẦN.

Ở đời!
Thường những người tín tâm là những người có lòng bao dung bởi tâm họ luôn hướng thiện, cầu mong những điều tốt lành nhất cho mình và cho mọi người. Âu đấy cũng là hành động và nghĩ suy để răn mình, răn đời, để người đời hay chí ít là gia đình, anh em con cháu soi vào mà phấn đấu, mà sống hướng thiện mưu cầu hạnh phúc và an lành.
Ngày lễ tết tuần rằm mùng một… có chút hoa quả tươi thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, ngửi mùi nhang trầm thoang thoảng trong nhà cũng thấy lòng như nhẹ lâng lâng một điều thánh thiện.
Ở nhà có cụ kỵ ông bà, cha mẹ để tôn thờ. Ở cơ quan đơn vị có thủ trưởng, cấp trên để kính trọng. Mối quan hệ giao hoà trên dưới ấy luôn làm cho mỗi người sống trong xã hội quy củ và biết mình biết người để đưa mình vào khuôn phép bất thành văn trong văn hoá Việt, thế nên đôi khi chẳng ai bắt ép ai mà phải tự hiểu lấy để cư xử với nhau cho đúng mực.
Trong gia đình, cụ kỵ ông bà cha mẹ mất đi thì người sống phải thờ cúng. Chả biết theo tâm linh thì người mất đi khi được người sống thờ cúng có hưởng được chút gì không thì chưa ai biết. Thế nhưng chắc chắn một điều niềm tin vào thế giới tâm linh chính là làm cho người sống hướng tới những điều tốt đẹp, yêu thương những người đã mất đi mà thực tại với người sống chỉ còn là kỷ niệm. Và cái tâm ấy của người sống chính là lòng thuỷ chung, tính nhân văn của mỗi con người.
Có người bảo: Vô thần đi…
Khó lắm! Người Việt mình làm điều ấy vô cùng khó.
Bởi một nhẽ.
Chả ai không có quê hương, chả ai không có ông bà, cha mẹ, người chết, người sống… cũng như trong gia đình Việt, chả nhà ai không có lấy một bàn thờ và nguyện chọn cho mình theo lấy một tôn giáo.
Vô thần đi… Nghe có vẻ đơn giản thế nhưng suy cho cùng nếu điều đó là thực trên đất Việt này thì thật ghê gớm đấy chứ.
Người hô hào vô thần đi kia có lẽ họ đang tâm dang tay đập nát bát nhang thờ tự cụ kỵ, ông bà cha mẹ, người thân của mình trong ngày lễ tết như họ nói không nhỉ? Câu hỏi ấy chắc chỉ là bỏ ngỏ. Bởi nếu điều đó là thật trên đời này thì những người như thế thật vô tâm và cũng thật đáng thương cho chính họ, cho cả một dòng giống. Thật tội nghiệp cho họ biết chừng nào.
Tôi không phải là người quá tin vào tâm linh đến độ mù quáng. Nhưng tâm linh vẫn ngự trị trong lòng và luôn là động lực để cho mình yêu bản thân, yêu gia đình, yên những người thân của mình hơn dù đó là những người còn sống hay đã mất.
Và hơn nữa tâm linh còn là tính nhân văn và đạo đức của một dòng tộc, một gia đình và của một con người xứ Việt.
Tội nghiệp cho những suy nghĩ què quặt khi hô hào… Vô thần đi.

Tiếng Lục lạc – 09.3.2015
(Viết vội vài dòng trên Blog).