Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

CHẠY TRỐN

Tuổi thơ của mình là một thằng chăn trâu. Nhà đông anh em, kém một người là tròn một tá. Đói nghèo nên thường hay mơ đến Tết. Tết thì được ăn no, ăn ngon, được đi chơi, được mặc quần áo mới. 

Nói là cả quần và cả áo cho sang, chứ nhiều năm có áo mới thì không có quần mới và ngược lại. Còn nếu không có quần mới thì U mình lại bớt ra mua vài hào thuốc nhuộm, nhuộm lại mấy cái quần bằng vải xanh chéo cũ. Thế là thành quần mới. Như có phép lạ. Và thế là nghiễm nhiên U mình là cô Tiên dưới con mắt của mình thời ấy! Mình sướng rơn!!! 
Tết mà có phong pháo tép đốt đì đoành, mặc bộ quần áo mới, được vài hào tiền lì xì mừng tuổi thì sướng tới tận củ tỉ. 
Giờ con mình thấy tết dửng dưng. Học nhiều, mất cả tuổi thơ. 
Có chăng, mong đến tết được nghỉ để ngủ cho sướng mắt!
Tội ghê!!! Thấy mà thương con thắt lòng!!! 
Còn mình! Đời lính, quanh năm vật vã, vất vả vì mưu sinh!!!


Nhìn cặp cầu vai, quân hàm! Nhàu nhĩ. 

Ôi! Thấy thương cho cái đời lính quá chừng. 
Cả năm chạy đôn, chạy đáo vì miếng cơm manh áo. Bây giờ, còn vài ngày nữa đến tết rồi mới hoàn hồn, mở mày mở mặt ra một tẹo. Thôi thì tìm cách trốn. Trốn biệt tăm một buổi chiều tìm lại chính mình. 

Mọi việc kệ cha nó. 

Đến đâu thì đến. 
Đẻ ra cái tết chỉ tổ mệt người. 
Mệt khiếp. 
Tết với nhất. Tự nhiên lại sinh ra tết để kèm theo bao nhiêu là những vấn đề đi theo.


Vợ mình đi chợ về thở dài sườn sượt. Mặt biến sắc. Nhìn thấy thương đứt ruột. Ngếch mặt nhìn chồng phân bua: "Tiền chả giá trị gì anh ạ, tiêu tiền như bị móc túi. Triệu bạc mang đi mà cứ nhẹ như không. Kiểu này sau tết chắc nhà mình đi ăn mày". 

Bão giá! Bão giá. 
Ra chợ thấy cái gì cũng lên giá, chả thấy xuống. Siêu thị thì bảo giảm giá nhưng mà em thấy có giảm tẹo nào đâu. 

Chiêu lừa đấy!
Tháng trước, chai nước mắm 14.000 đồng. tháng này dán giá 17.000 đồng, giảm giá 1.000đồng tại quầy thu ngân. Vị chi phải trả là 16.000 đồng. 
Ô hô!!! Kiểu bến xe, mua một cái, tặng một cái, tính tiền giá bằng hai cái. 
Lạ quái gì mánh khoé kinh doanh. Đây chả giỏi nhưng cũng có bằng học quản trị đào tạo từ xa đấy nhá!!!

Giá cả lên xuống ư!!! Kệ cha nó!!! 

Quốc hội họp cả mấy tháng còn chả cho giá xuống được nữa là vợ mình!!! 
Trốn! Trốn biệt. 
Trốn ra giữa sông nước mênh mông, nhìn ngắm trời mây, nghe nhạc không lời rì rả, ngắm nhìn ly cà phê tí tách, nhấm nháp ly rượu nhẹ, bỏ quên thời gian lười biếng trôi đi cho bõ cái sự bươn chải mưu sinh. 
Và thế là quên hết mọi ưu phiền, quên bão giá, quên cả những sợi dây ràng buộc ranh ma, chằng chịt của cuộc sống hối hả ngoài kia. Quên hết hiềm khích, bỏ hết hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ. 
Chỉ còn lại gia đình, vợ con. Vài giờ đồng hồ hiếm hoi, quý giá biết chừng nào.


Rồi lại tất tả trở về với đời thường. 
Bên ghế đá công viên thấy đôi vợ chồng người nước ngoài. Mình chào, họ vui vẻ bắt chuyện. Cu con xì xồ xì xoạp. Mình xin hai ông bà chụp kiểu hình! OK! Đẹp đôi quá, hạnh phúc quá! Trong ngần quá. Chẳng có bon chen! Ừ thích!!!

Bao ước mơ trong ta lại trỗi dậy.


Phố vẫn hào hoa.
Các malocanh vẫn sặc sỡ quần áo sắc màu, với mốt quần tụt, áo chẽn. 
Tụt quá mà thấy thương. 
Qua phố mà sợ. 


Lại giật mình! Thoáng thấy cô cậu học sinh lớp 9 mặc nguyên bộ đồ thể dục của một trường bán công thành phố, trốn học ôm nhau, hôn hít tình tứ bên ghế đá bờ sông. Lòng lại lo lo, cứ thế kia thì làm sao sinh đẻ có kế hoạch được nhỉ. 
Mình hâm rồi!!!
Lại ước mình như các cô cậu malocanh, cứ vô tư khoác lên người quần tụt, áo chẽn. Muốn tụt đến đâu thì tụt, muốn hở đến đâu thì hở. 


Lại ước!!!
Ôi! Trốn được vài giờ đồng hồ hạnh phúc!!!
Chết cha! Tết đến nơi rồi mà mình lại như cái thằng dở người thế này!
Thôi! Đi về!!!
Mặc kệ ghế đá công viên! 
Mặc kệ cả làng blog đấy!!!

Lính già - Nguyễn Bảng 09.02.2010

NGÀY CUỐI NĂM 2010

Nhanh thật!
Thế là đã chuẩn bị kết thúc một năm rồi! Một năm so với một đời người thì chẳng là bao. Nhưng một năm là cả một quãng thời gian đối với mình quá nhiều trăn trở. Cuộc sống cứ xoay vần với những lo toan đời thường cùng miếng cơm, manh áo. Bao nhiêu lần mình tự hỏi mình sau mỗi năm ta làm được những gì. Và bấy nhiêu lần mình lại lắc đầu với nụ cười không thành tiếng ở trên môi!!!
Mai là ngày đưa Ông Táo về trời. Công việc thật bận rộn. Cu con gọi điện thoại nheo nhéo, đòi ba về bằng được để đi sắm mấy thứ đồ lặt vặt. Gạt cái máy tính qua một bên!
Ừ thì về!
Về với căn nhà ấm áp và thân thương vô cùng. Cái mệt mỏi dường như tan biến đi khi những tia nước mát lành từ vòi sen xối xuống nhè nhẹ mơn man trên da thịt. Một cảm giác an lành và thanh thản. Vậy mà ít khi ta còn thời gian nhận ra, để nhâm nhi cái cảm giác ấy! Có lẽ mình là nô lệ của thời gian mất rồi!!!
Phố đã lên đèn từ bao giờ. Hai cha con vội vàng xuống phố.
Hương nhang, vàng bạc và tất cả các đồ thờ cúng là nơi đầu tiên hai cha con mình tới để mua sắm mang về cúng Tổ tiên cho ngày Ông Công, Ông Táo về trời. Vì Cháu lớn đi học chưa về, nên có một mình cu nhỏ đi theo ba. Cu cậu rất thích chọn lựa, mua sắm các thứ vàng mã, biểu hiện cho tâm linh này. Âu cũng là nếp ở để giáo dục cho con cái quen với gia phong, tưởng nhớ tới cội nguồn. Đấy cũng là niềm tự hào về nét văn hoá đặc sắc của người Phương Đông mình.



Hai cha con rẽ vào quán phở Sài Gòn, triển khai mỗi người một tô cho ấm bụng cái đã. Cu con cũng kêu một tô phở vò viên bằng tô của ba, chả biết ăn có hết không!!!





Cu con bảo: Ba đừng ăn vội, ngồi yên để con chụp hình. Mình đói, thèm, chỉ muốn ăn.




Bước ra phố, bừng sáng lung linh, Chạy xe chầm chậm ngắm nhìn phố phường và tìm cho mình cảm giác mới của ngày cuối năm tất bật với mọi người mà mình lại thấy lòng bỗng như thanh thản.




Sau khi gửi xe và đồ ở trong siêu thị, hai cha con đi dạo phố hoa. Thật thích cái cảm giác ồn ào. Người lạ, người quen gặp nhau, trao đổi giá cả, hỏi han rất thân thiết. Phố hoa nên không thấy cảnh chen lấn, cãi vã. Người mua, người bán thân thiện như đã quen nhau từ rất lâu. Và mình nhận ra ngoài chợ mà thật ấm áp tình người.




Bỗng nhiên cu con gặp ngay người bạn học cùng lớp cũng theo mẹ đi chợ hoa. Thế là hai cu cậu đòi chụp ngay kiểu ảnh. Ừ thì chụp!!! Sướng nhá!!!




Rất nhiều các loại hoa đủ sắc màu, tươi và đẹp




Người bán không phải chào mời, ai mua tự tìm đến, tự do chọn lựa. Khi ưng ý thì hỏi giá trả tiền. Nếu muốn hỏi cách chăm sóc thì sẽ được người bán hướng dẫn rất nhiệt tình.




Đây là loài hoa Trạng nguyên. Khi đến đây, cu con hỏi hoa gì, mình bảo hoa Trạng nguyên, cu con bảo chụp cho con một kiểu để con học giỏi giống trạng.
Ừ thì chụp để cho thành Trạng.
Oách thật!!!




Năm nay hoa Mai và hoa Lan rất nhiều và rẻ nữa. Vì Mai chưa trổ bông, giờ này chỉ có cành nên mình không chụp. Mỗi cây mai ghép loại đẹp, để trong nhà chỉ khoảng 200 ngàn là đẹp rồi.
Quất cũng nhiều, trái đẹp. Mọi người đều thích cây quất trồng tự nhiên chứ không thích cây ghép cánh. Có lẽ khi chơi tết xong vẫn trồng xuống đất được. Mình cũng thế.
Cô bé này đã mua cây quất kia với giá 250 ngàn và đang nhờ bác xe lôi kia trở về nhà.




Cây bon sai là loại cây mình thích hơn cả. Năm nay cũng nhiều bon sai nhưng giá cũng đắt theo như cầu và ý thích từng người. Thấy cây này lạ, mình chụp luôn một phát.




Cu con cũng thích cây bon sai, cứ thập thò xem và ngắm ngía.
Mình hỏi có thích không. Cu cậu bảo thích.
Mình hỏi giá, cậu bán còn rất trẻ, tươi tỉnh trả lời là 400 ngàn. Mình bảo 300 ngàn.
Thế là cậu ấy bán luôn.
Mình trả 100 ngàn trước, và gửi lại, mai quay lại trở cây về rồi trả nốt tiền.




Hai cha con ra quảng trường chơi.
Đây là một nơi thoáng đãng, sạch sẽ vừa mới được xây dựng và khánh thành mấy bữa nay để cho kịp đón tết.




Ngoài quảng trường có những nhóm nhạc hip hop biểu diễn rất vui. Các nhóm nhạc này tuổi rất trẻ, chỉ 14, 15 tuổi. Cách ăn mặc và phong cách thật thời trang, Họ biểu diễn lành nghề và say mê.
Mọi người xem và cổ vũ rất nhiệt tình.




Nhiều người thích tụ tập ở đài phun nước để cho mát.
Từ khi có quảng trường này, thành phố như trẻ lại và thoáng đãng hơn, con người hình như cũng thân thiện hơn.




Nơi đây thật lý tưởng để tổ chức sân khấu ngoài trời cho những buổi lễ như những đêm 30 tết. Đứng giữa quảng trường thấy mình như nhỏ lại.
Một thành phố trẻ và nghèo như nơi mình ở, đầu tư xây dựng được công trình thế này cũng là quý lắm rồi. Và mình cứ chứng kiến từng ngày thành phố mình thay da đổi thịt!!!




Hai cha con ghé vào siêu thị mua sắm một số thứ cần dùng.




Một cảm giác tết đang đến rất gần.
Người người đi chơi, đi mua sắm. Đâu đâu cũng thấy băng cờ, khẩu hiệu chào mừng năm mới.




Vừa lên khỏi cầu thang máy thì gặp ngay các thành viên của nhóm nhảy hip hop mới biểu diễn ngoài quảng trường cũng vào cùng. Thấy mình khoác máy ảnh, các cháu đề nghị chú chụp cho tụi cháu một kiểu.
OK! Mình dặn: Tối nay các cháu vào blog Lính già - Nguyễn Bảng xem nhá!!! Thế nào cũng có ảnh của các cháu đấy!!!
Cả nhóm thích, cười ré lên!!!




Hai cha con ra bờ sông Tiền, ghé nhà hàng nổi uống nước cho đỡ khát.
Đên buông lơi, mơn man gió. Cuộc sống vẫn tấp nập trôi đi.
Mình ngửa mặt nhìn những ánh sao vẫn còn lung linh xa xăm lắm.




Nhà hàng đã đến giờ cặp bến.
Thường thì tầm 7 giờ tối, khi khách đã đấy nhà hàng thì tàu nhổ neo, đưa khách về phía cầu Mỹ Thuận.
Buổi tối, thư thả, được ngồi nhâm nhi ly cafe hay cùng bạn bè cạn với nhau vài ly bia, ly rượu trên tàu lênh đênh sông nước miệt vườn này thì chẳng có gì thú hơn.
Mình thích uống hoặc ăn ở đây. Tuy có đắt hơn ở các quán khác một chút nhưng phong cách phục vụ ở nhà hàng này rất chuyên nghiệp và lịch sự.




Rồi đồ uống cũng được mang ra.
Cu con khát kêu ỏm tỏi.
Khi thấy có hai ly trà sữa Trân Châu thì mắt cu cậu sáng ngời.




Hai cha con xì xoạp, vèo cái hết hai ly trà sữa.
Cu con còn liếp mép cái nghe có vẻ thèm thuồng. Đúng là no bụng đói con mắt!!!




Rồi lại lang thang, chầm chậm trên phố khuya về nhà. Một ngày qua đi với những nhọc nhằn, lo toan và bận rộn. Cuộc sống cứ xoay vần như muôn đời vẫn vậy.
Đời người ai cũng phải trăn trở, vất vả vì mưu sinh. Nhưng những ngày cuối năm thường là những ngày bận rộn và vất vả hơn cả. Ngày Tết là ngày cho ta nghỉ ngơi để thăm hỏi cha mẹ, anh em, bè bạn, người thân. Để ta đủ thời gian nhìn lại con đường ta đi trong một năm với những thành công hay thất bại. Để rồi ta nhận ra mình đúng hay sai.
Có quá nhiều thứ cũng cần phải trăn trở. Càng lớn tuổi, càng trăn trở nhiều.
Ngày xưa, hồi trẻ mình thích tết. Đến giờ, gánh trách nhiệm làm cha, làm mẹ trên vai thì Tết về lại cảm thấy như nặng nề hơn.
Thế nhưng đôi lúc ta vẫn cứ phải tự cho mình thanh thản và mỉm cười!
Ừ! Mai đã là ngày 23 tháng Chạp!!!


KÍNH CHÚC CÀ GIA ĐÌNH PLUS NHÀ TA MẠNH KHOẺ, HẠNH PHÚC
ĐỂ ĐƯA ÔNG TÁO VỀ TRỜI NHÉ!!!

Lính già - Nguyễn Bảng 05.02.2010

TÔI VƯỠN ĐI NGOẠI TÌNH

Giời ạ! 

Mới mấy hôm trước nghe lời xúi dại của cái lũ lính già cùng cơ quan, tôi cũng tò mò đi ngoại tình một tẹo xem ngoại tình nó mặt ngang mũi dọc thế nào. 
Gớm khổ! Vớ ngay phải em gái Tây. Em Tây đẻ cho tôi hai con rồi tôi phải bỏ của chạy lấy người, một phần vì vợ tôi ước chừng đoán ra là tôi đi ngoại tình. Một phần vì em Tây doạ bán con tôi sang Trung Quốc.
Tôi về nhà với vợ với con mà tâm hồn cứ tơ tưởng ở đâu đâu. Đôi lúc cứ ngơ ngơ như cái thằng đần. Đang cầm miếng khế ăn với thịt chó lại cứ ngỡ là miếng xoài xanh. Bảo đi lên lầu lấy cuốn sách sự thật về mối quan hệ Việt – Trung trong 30 năm qua để đọc thì lại đi xuống bếp lấy cái chày. Khổ, có hôm ngồi ăn, đang cầm cái khăn ăn mà đưa lên lau luôn cả cái bản mặt cứ câng câng của mình, mãi sau thấy mùi thức ăn mới biết mình nhầm. Trẻ thì đã qua, già mới sắp tới mà đã ẩm ương thế này rồi thì chả biết sau này còn ỡm ờ, còn khổ đến đâu.
Cáu tiết! Véo vào người một cái. 
Đau! Đau lắm. Thế là tỉnh. Ngẫm lại, mình lẩn thẩn thế này là do vợ o ép không cho đi ngoại tình đây mà. Khổ! Cái trò ăn vụng nửa mùa nó cứ như là lên cơn nghiện, cứ đến cữ thì phải tình tính tang một tẹo.
Bức xúc! Thế là tôi lại thậm thụt đi ngoại tình tiếp. Tôi lựa đúng vào hôm thứ bảy, vợ tôi đi chùa, tôi ở nhà lẩn đi ... ngoại tình tiếp. Lần này tôi khôn hơn, tôi ý tứ hơn, nên vợ không phát hiện ra. Tôi ngoại tình với em Việt Nam . Em này tơ mành mành, nói thật với các bạn, em này trông còn ngon bằng vạn cái em tây kia. Nhưng cũng vì cái xinh, cái trẻ, cái non tơ kia mà tôi phải móc hầu bao cũng kha khá. Tôi mua đất, làm cho em một căn phòng nho nhỏ, xinh xinh, ấm áp, lãng mạn. Tôi giao chìa khoá nhà cho em. Thôi kệ! Coi như mình ăn bánh, mình trả tiền ý mà. Không đến khi vỡ chuyện lại tố cáo mình là đàn ông mà không biết ga - lăng, không hào phóng, ăn sắt thải ra xà beng, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành... Cứ đầu tư kha khá vào. 
Em sướng! OK luôn, Em này cũng thoáng, còn đồng ý cho tôi gửi con riêng ngoài giá thú.
Thế là tôi về đắn đo suy nghĩ mãi rồi tìm cách bắt con từ nhà em Tây mang về gửi em người Việt, Thực ra mà nói, em tây kia chỉ được cái phốp pháp, to cao, có kinh nghiệm nhiều hơn một tẹo thôi chứ khoản mặt hoa, da phấn thì thua em Việt này. 
Chả biết các bác ngoại tình thế nào chứ em á, em thấy cái trò ngoại tình ý mà, nó say nhau cứ như điếu đổ. Ra cũng muốn lắc mông một cái, vào cũng muốn liếc lấy nhau, mắt cứ sắc như dao bổ cau, lúc nào cũng rửng mỡ, cũng muốn cấu véo, sờ mó. Người cứ phờ phạc như cái thằng hết hơi, ấy thế mà vẫn liếm mép, thòm thèm. Thế mới lạ.
Cuộc tình này có vẻ êm xuôi và không mong manh như khi ngoại tình với em Tây. Tôi cũng là kẻ đóng kịch kha khá. Vợ chả biết tôi đi ngoại tình, chỉ biết tôi hay đi ăn phở. Đôi khi thấy tôi mắt trũng xuống lại còn thương tình buông thõng một câu: Anh dạo này ăn uống tốt thế mà sao người cứ dóm như con đom đóm thế. Hay em mua cho vài hộp sữa, anh uống ngày ba bữa, mắt đau thì mua thuốc chữa, tối thì đừng đi nữa...
Tôi huýt gió với vợ một cái! Vợ sướng! Thế là cứ đều đều, vừa có ăn, vừa có sức, vừa được... ngoại tình. Rồi tôi lại có con riêng với em Việt Nam . Sao mà tôi lại mắn thế không biết. Hơi một tẹo là lại dính, gỡ không ra. Thôi thì đã đẻ ra thì phải nuôi, béo tốt, gầy yếu cũng là con mình, vứt đi hay bán sang Trung Quốc thì tội nghiệp. Đâm lao thì đành theo lao vậy. Mặt mũi tôi ngày càng cau có, dúm dó, như cái vó vứt trong xó. Thế mà hai đứa tôi vẫn thậm thụt với nhau, hơn hớn, nghếch cái mỏ nhọn như cái đinh lên để hát song ca “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”.
Yêu đời ra phết. Lãng mạn ra phết nhể!
Đùng một cái nhà em mất trộm!
Giời ạ! Tôi và Em rũ xuống như con quạ. Gầy yếu như con Hạc, nhếch nhác rất bệ rạc, về nhà mình mà cũng đi lạc. Trộm vào nó bê hết của ngon, vật lạ. Lấy tất! Chỉ còn mỗi đôi giày không. Các đồ quý giá trong nhà, nó khoắng sạch. Xong nó lấy cái ổ khoá nhà loại của Pháp mà tôi đã mua cho em nó khoá lại không cho em và tôi vào.
Đồ mất dạy! Đồ đểu! Tôi chẳng phải tay vừa, tôi la làng lên. Tôi chạy sang nhà Bác Cựu nhờ cách giải quyết. Bác Cựu hiến kế rằng đi mà báo cảnh sát khu vực chứ chịu nó à. Bập báo bập bổ tôi cũng đi báo cảnh sát khu vực. Ba ngày sau, Cảnh sát khu vực tuyên bố một câu xanh rờn là hy vọng lấy lại rất mong manh. Thế là tôi và em cùng lũ con vất vưởng. 
Khốn nạn thân tôi chưa! Đang yên đang lành cho đầu vào giành mà lắc. Đèo bòng, lòng thòng làm cái quái gì cơ chứ! Ư hứ!!!
Điên máu, cáu tiết! Tôi lại đầu tư làm nhà mới cho em và đợt này tôi công khai luôn cho cả vợ, cả bồ tôi đều biết. Vợ tôi nổi làng nước lên rồi lăn ra giãy đành đạch: Này nhá! Lành thì làm gáo, vỡ thì làm ...ca nhá, không léng phéng, tình tang gì nhá! Không tiền bạc, giờ giấc hơi sức đâu mà lang chạ nhá.
Tôi chỉ thiếu nước quỳ xuống mà vái vợ tôi ba vái rưỡi để cho nó yên cửa, yên nhà. Rồi tôi lựa lời, phân tích to nhỏ, ngọt nhạt, dỗ dành. Khổ tính đàn bà hơi một tẹo cứ sồn sồn lên. Thì ra vợ tôi sợ thất thu, sợ không được ĐẾM NGÔ đều đều nên mới nổi cơn tam bành. Được cái ương thế nhưng xong lại hơn hớn lên cũng đồng ý cho tôi cất nhà mới và mang hết con cái về nuôi chung một nhà. Hiện giờ mấy đứa tụi nó đều béo hú!!!
Tôi cố gắng vươn lên, sống đàng hoàng, cân bằng giữa vợ lớn, vợ nhỏ. Chúng tôi lại sinh con đều đều, đứa nào cũng xinh xắn, bụ bẫm. Được cái cô vợ nhỏ cũng dễ thương và biết điều nên vợ tôi cũng quý mến. Bạn bè cũng yêu thương.
Đôi lúc hứng lên vợ tôi còn bảo: Người đâu mà cóc tía. Thế mà không nói trước, cứ đi đêm về hôm, rạc cả người, thậm thà thậm thụt! Ghét mặt!
--------
Bây giờ em đã giải toả được biết bao nhiêu ưu phiền từ vợ con, bạn bè hiểu lầm, oán trách. Thôi thì cái thân em nó đã vậy biết làm sao. Báo cáo thật với các bác. Ba con vợ: một con vợ Tây, hai con vợ Việt nó vẫn nhăn nhở sờ sờ ra đó chứ đâu. Con vợ Tây là con Yahoo 360, nó đang bỏ của chạy lấy người. Con vợ Việt nhỏ chính là con Yahoo 360plus đấy. Nhà cũ của nó Ở ĐÂY NÀY! Đấy! Các bác vào mà xem. Bị trộm, mất password thế là bị khoá lại, giờ vẫn bỏ hoang. Em đã báo cảnh sát là mấy anh quản trị Yahoo nhưng không tìm ra thủ phạm. Nhà mới nhất là em và các bác đang đến thăm đây. Còn cái khoản tình phí cho các bà vợ nhỏ là khoản em trả thuê bao trọn gói cước ADSL mỗi tháng vài trăm ngàn để được vào internet đấy mà. Chứ nhìn cái bản mặt em nhâng nháo thế này thì ai mà tin được mà các bác bảo em đi ngoại tình. Phải không các Bác.
Gớm! Thôi, lâu lâu, em ỡm ờ các Bác một tẹo cho vui. Em xin lỗi các Bác nhá! Các Bác đánh cho em hai chứ “Đại xá” nhá! Mà em nói thật có khi các Bác còn ngoại tình máu hơn em ý chứ lỵ! Nhể!
Chỉ có BÁC TRĂNG là em chả làm sao mà ỡm ờ được bác ấy cả! Bác ấy bảo là bác ấy ngoại văn tình từ lâu rồi! Khiếp!!! He! He!!!


CUỐI TUẦN CHÚC CẢ NHÀ YAHOO 360 PLUS VUI VẺ HẠNH PHÚC NHÉ!!!

Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

TÔI ĐI NGOẠI TÌNH

Này!
Ngoại tình! Đang là mốt đấy!
Há là cái thằng đàn ông thì thằng nào mà chẳng thích ngoại tình! 
Có cơ hội là ngoại tình ngay! Ngoại tình hay lắm!
Lũ lính già cùng cơ quan của tôi mấy năm trước chẳng biết ăn phải khoai lang hay khoai môn mà ngứa mồm, nó khoạc ra chuỗi lý luận xanh rờn như thế. 
Kinh!
Tôi chả tin! Lũ lính già nó nói điêu đấy! Tôi nghĩ.
Mình là thằng chân thật thế này chứ có phải thương binh đâu! Chỉ có thương binh mới có chân giả nhé!
Mình là đứng đắn nhất chẳng biết ngoại tình là gì, bởi mình biết cái bản mặt mình chẳng là cái thá gì trong cái giới đàn ông. 
Này nhá! 
Người thì cũng tầm tầm, vớ vẩn chứ mặt hoa da phấn nỗi gì. Mũi thì hếch ngược lên. May là đàn ông chứ là đàn bà thì chúa chùm, đanh đá phải biết. Mỏ thì nhọn như cái đinh. Hót như Chích Chòe. Răng lợi thì tự nhiên xung phong, hùng hổ duyệt binh đi trước. Môi miệng thì thướt tha, lả lướt kéo cờ theo sau. Mặt thì vừa đen, vừa rắn. Cứ câng câng. Thần sét nhìn thấy phải gọi bằng ... anh và còn bồi thêm một câu: Ghét mặt!!!
May làm sao tôi kéo lại được đôi lông mày và cặp mắt. Đấy là vợ tôi lúc nó yêu nó bảo thế thì mới biết chứ nó không nói thì có khi ngu đần cũng chả biết.
Thế nên tôi cứ là nhất vợ nhì giời, kính vợ đắc thọ. 
Vợ sướng! Mười mấy năm ăn nằm với nhau, rau cháo qua ngày mà chả điều tiếng gì. Bài vở thì thuộc làu. Đi công tác xa hay gần, về mà bị soi rọi, kiểm tra là trả bài trả vở đâu ra đấy.
..............
Đùng một cái! Lời lũ lính già kia linh nghiệm!
Đúng thời gian rảnh, tôi lang thang chẳng biết làm gì. Thế là năm ấy tôi thử đi... ngoại tình! Xem ngoại tình mặt ngang mũi dọc nó ra làm sao.
Tôi lại bắt đầu yêu! Sau bao nhiêu ngày thiên hạ người ta yêu hết, giờ tôi mới biết cắm mặt, đâm đầu vào yêu. Yêu ngày, yêu đêm, yêu tinh yêu quái.
Mà yêu ai không yêu, yêu ngay phải em gái tây hẳn hoi. Ngay gần cơ quan.
Em to, phốp pháp. Mắt xanh, mũi cao, da trắng, chân dài ... đến nách.
Xinh!!! Xinh lắm! Em xinh!
Tôi thì vừa đần, vừa ngu. Tôi không biết nhiều tiếng tây. Vì cái mặt thằng lính quèn như tôi suốt ngày chúi mũi vào vẽ vài cái bản đồ, lo ba cái hợp đồng với hợp điền, bom với đạn, mìn với bọng thì làm gì có thời gian mở mày mở mặt ra được để rèn tiếng tây!
May mà ngày xưa cũng đua đòi theo học vài tháng nên cũng xì xồ xì xoạp được tí tỉnh.
Thế là tôi bỏ ra một thời gian, ga lăng ra phết, cộng với kinh nghiệm láu cá lừa gái của tôi từ ngày xưa, tôi cũng tán được em Tây. Em cũng rất yêu cái thằng mỏ nhọn là tôi và đồng ý để cho tôi đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, tâm tình to nhỏ ở nhà em dù đôi khi chỉ là tô cháo bọc hay bát mì gói không có giặc lái, trông rất tội. Đúng là sống như Tây.
Thời gian trôi!
Và hai đứa say nhau lúc nào có thánh biết. Chỉ có tôi và em Tây biết. 
Tôi vẫn giữ bí mật với vợ.
Suốt ngày thậm thụt, đi đi về về, hò hẹn với em Tây. 
Ăn cũng nghĩ đến Tây. Ngủ cũng ngủ với Tây.... Rồi cái gì đến cũng phải đến. 



Tôi và Tây đẻ một lúc hai đứa con liền tù tì. Một trai, một gái. Xinh ra xinh và dễ thương như tranh vẽ, ai đến thăm cũng trầm trồ, cũng cười duyên.
Tây quyết thoáng! Nuôi hết. Tôi thì rảnh tay. Khi có con, cuộc sống vất vả. Thời gian không có, con thì ốm đau quặt quẹo luôn. Công việc thì bù đầu, ngập mặt. Đường đi lối lại thì khó khăn. Thế là tôi giao con riêng cho Tây lo hết. Tuy nhiên hàng tháng tôi cũng đưa tiền cho em Tây gọi là khoản tình phí. Em Tây thiệt tình. Cũng nhận vì trách nhiệm.
Vợ tôi thấy tôi đi đêm về hôm, người thì gầy rộc đi, hình như cũng phát hiện ra tôi có vấn đề, nhưng chỉ nhắc nhẹ. 
Hèm! Này! Dạo này hình như nhà mình có ma anh ạ! Đêm anh sợ nên không dám ngủ ở nhà. Em ngủ một mình em cũng sợ lắm!!! Anh gạt công việc ra một bên mà ở nhà với vợ con nhé. Chứ đi đêm về hôm thế này vừa ốm người, vừa bị ma ám đấy!
Thất kinh!
Ơ hay! Có cái gì mà nghe ghê gớm thế nhỉ. 
Tôi hoảng! Hay mình lòi cái đuôi ngoại tình ra rồi? Hay là trong lũ lính già có đứa thọc mạch nhỉ? Rõ là ... đồ đểu!!!... đồ... xỏ lá!!! Tôi chửi thầm.
Thế là tôi sang nhà em Tây làm một cái thông báo to tướng vì lý do trục trặc kỹ thuật không thể tiếp tục quan hệ lâu dài được và năn nỉ em Tây nuôi con hộ, lâu lâu mới ghé thăm mẹ con em một tẹo cho đỡ nhớ, đỡ cồn cào. 
Em Tây OK ngay! Rồi em bảo em sẽ cố gắng hết sức. Còn nếu em nuôi con không được nữa thì em sẽ bán chúng nó đi Trung Quốc! 
Tôi tởn đến tận tóc gáy. Con Tây này nó to béo, phốp pháp, sừng sững như con voi rừng Tánh Linh thế kia, hùng hổ lên, nó làm thật chứ chả bỡn! 
Tôi bảo em Tây: Khiếp! Nói gì mà thấy tởn! Nuôi đi, thỉnh thoảng anh lại sang, tài trợ tí. Đẻ được thì nuôi được chứ ai lại....bán! Thế sao cái lúc em sướng, tay bắt chuồn chuồn, miệng thì ú ú, ớ ớ, em hứng lên, em bảo anh cứ đẻ mạnh lên. Em sẽ nuôi được tất, nuôi được cả làng!!! Rõ là đồ điêu! Đồ... lẻo mép....
Thôi! Con lạy mẹ Tây già nhá! Lần sau con mà có ngoại tình thì con ngoại tình với con gái Việt Nam tre trẻ thôi, cho nó dễ xử nhá. Chẳng Tây với tàu gì sất!!!
Còn chuyện đẻ thêm vài đứa con nữa thì xin kiếu nhé. Hai đứa kia chưa đủ nhớn, nuôi chẳng xong nên đâu đám đẻ thêm mấy đứa tiếp. 
Và tôi đã đề ra một kế hoạch cho riêng mình. Đó là kế hoạch: Bắt con mang về nuôi!
Nhưng trước mắt, sợ vợ phát hiện ra, tôi xắn quần cao, chạy biến cái đã.
Thi thoảng, năm thì, mười họa mới qua thăm và sờ mó em Tây một tẹo cho đỡ tủi phận đàn bà mà mình cũng đỡ nhớ. Mỗi lần sang, tôi bảo với vợ tôi là tôi đi ... ăn Phở.
Đến bây giờ, vợ tôi vẫn chưa biết là tôi ngoại tình, có con với em Tây! Và em Tây vẫn nuôi con của tôi ngon lành cành đào!!! Kể ra không có trục chặc thì cứ ngao du thậm thụt với em Tây thì cũng khoái. Chứ về với vợ đôi khi trục trặc, cũng ngao ngán phết.
Tôi là thẳng đểu các bạn nhỉ!
Ừ! Đôi lúc soi gương, tôi cũng thấy mình đểu và ghét cái bản mặt cứ hơn hớn của tôi chứ đừng nói gì đến các bạn!!!
Đã thế lần sau tôi sẽ nói toạc ra cho các bạn biết em Tây của tôi tên là gì và hiện đang ở đâu, sinh sống thế nào nhé! Chuyện có thật 100% đấy. Lính cấm dám nói điêu.
Thôi! Chỗ thân tình, tâm sự với nhau một tẹo. Vài hôm nữa kể tiếp... Nhá!
Chuyện ngoại tình của lính quèn này còn ... rách việc và nan giải lắm lắm... 
Lính già – Ngày 29.5.2009
Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

XUÂN VỀ

Xuân đang về!

(Phố xuân - Ảnh Nguyễn Bảng)
Ừ! Ngày em đến mang theo mùa Xuân. Mưa xuân lắc rắc trên những cánh lá tươi non. Đã lâu lắm rồi mảnh đất phương Nam mới có mưa xuân lui phui ướt mềm như thế. Ngày em đến áo váy xênh xang tung tăng phố trẻ, mềm mại mưa xuân, ngập tràn niềm vui, ấm nồng tình bạn. 


(Từ trái sang: Bloger Bằng Lăng; An Thảo; Và vợ chồng Lính Già)
Ơ kìa! Mùa xuân đang về!!! Và những trái tim rộn rã ngỡ ngàng tưởng chừng như mơ như thật. Trong căn nhà nhỏ ngoại ô thành phố trẻ bừng lên những tiếng cười giòn tan. Ta vẫn cảm nhận cuộc sống lung linh như mùa xuân đang đến! Và em đấy, những cánh hoa xuân!


Những nụ cười tươi mới, thánh thiện trong mưa xuân đầu mùa. Cho ta gác lại những âu lo, những muộn phiền để xốn xang với bao nhiêu cảm xúc. Tình bạn và những yêu thương. Cuộc sống chắc chỉ cần có vậy. Những phút giây bạn bè gặp gỡ nồng nàn. Yêu thương biết mấy!!!


(Phố đêm - Ảnh Nguyễn Bảng)
Lao xao ta thả bước xuống phố thấy ánh đèn vẫn tưng bừng, lung linh. Gió mơn man lùa vào gương mặt phong trần và ta nhận ra phố khuya cũng nồng nàn như cuộc sống của ta đang nhấm nháp. 


(Phố lên đèn - Ảnh Nguyễn Bảng)
Góc phố rộn ràng cuốn ta đi theo dòng thời gian cứ ào ào qua bao ghềnh thác. Lang thang trên phố mà thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát đến nao lòng. Và ta hiểu ra rằng cứ mỗi ngày ta lại giàu có thêm lên.. 


(Bình yên - Ảnh Nguyễn Bảng)
Bước ra phố hoa cũng thấy xuân đang về. Nhịp yêu thương vẫn chảy mãi tràn trề. Dòng sông Tiền mênh mông, nước lững lờ trôi như ngây như dại. Cho ta đắm đuối ngỡ ngàng.


(Mang xuân về - Ảnh Nguyễn Bảng)
Những chiếc xuồng hoa miệt mài chở mùa xuân sang. Hoa ngập phố, cô gái trẻ lang thang, nét cười duyên hồng hồng đôi má. 


Em mười bảy, tuổi trăng tròn cũng theo ai xuống phố. Ngập ngừng bên những cánh hoa. 


(Từ trái sang: Bloger Dong@; vợ chồng Nguyễn Bảng; Bloger Hồng Chương)
Cuộc sống rộn ràng như một bài ca. cho bạn bè, cho ta, cho những phút giây gặp gỡ. 


Gió xuân về lao xao đầu ngõ. Ơ! Mùa xuân ăm ắp đang về.


Bên bạn bè như có nhạc, có thơ, có tiếng cười, có râm ran chuyện đời chuyện bạn. 



(Từ trái sang: Bloger Dong@; Vợ Lính già; vợ chồng bloger Hồng Chương)
Những phút giây gặp nhau thấy cuộc sống thăng hoa, thấy tâm hồn lãng mạn. Cho anh, cho tôi, cho tất cả mọi người. Ừ cuộc sống cho ta đầy ắp tiếng cười. Ta giang rộng cánh ta đón mùa xuân đang đến. Ơ! năm nay mùa xuân về sớm. Rộn rã tình yêu thương. 


Kìa những nhành lan đang toả ngát hương. Hoà trong gió giữa chiều xuân để cho ai vẫn hồng hồng đôi má. Ta ngất ngây với hương thơm. ta mến yêu cuộc đời quá. Vì có xuân về, có bạn bè, quên hết những âu lo./.


Lính già - Nguyễn Bảng - 29.01.2010

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 5

Phần 5: Trái dâu tây để dành!!!

Chiều miền quê bình yên và mơn man gió.
Mặt trời đã kéo xuống chầm chậm đi ngủ. Những giọt nắng cuối ngày đã tắt sau rặng tre mướt xanh. Mảng trời phía tây hắt lên một màu đỏ ối. Và vẫn những cơn gió mơn man, nhưng trong gió có nhiều hơi nước, dịu và mát hơn mọi ngày. Ô hay! Chẳng lẽ năm nay lại mưa sớm. Ai cũng cảm nhận được không khí dễ chịu và thư thái. Bà mẹ của anh lính nhắc nhở mọi người thu xếp công việc và đồ đạc sau đám cưới của anh cho gọn gàng kẻo sợ trời mưa. 
Bữa cơm tối nhà anh lính thật đầm ấm và vui vui. Mọi người cũng thấm mệt với công việc của một ngày trọng đại. Tuy nhiên cả gia đình vẫn tập trung uống trà, trò chuyện, hỏi han nhau chuyện làm ăn, sinh hoạt. Vì cũng lâu lắm rồi người xa, người gần chẳng được gặp nhau. Ngôi nhà có vẻ chật ra vì tiếng cười và đấy ắp những tình cảm thân thương của mọi người trong ngày họp mặt. 
Đêm buông lơi, lẳng lơ, đủng đỉnh, nhùng nhằng như thách thức, như trêu ngươi, như thờ ơ, như chẳng biết sốt ruột cho đôi vợ chồng anh lính trẻ. Và công việc một ngày bận rộn cũng tạm ổn, những câu chuyện gia đình cũng được xếp lại. Trời dần khuya, đã gần nửa đêm. Mẹ của anh lính nhắc mọi người thu xếp đi ngủ cho đỡ mệt. 
Vợ chồng anh lính cũng nhấm nháy nhau trở về với tổ ấm riêng tư của mình trước sự bẽn lẽn, thẹn thùng, e dè, ngượng ngùng và có phần bối rối đến thánh thiện của cô thôn nữ khi hôm nay, lần đầu tiên được sống gần, thật gần, rất gần và không khoảng cách bên anh lính trẻ. 
Ngoài kia, trời chuyển gió đã mạnh dần, gió đầu mùa thổi ngày một mạnh hơn, gió làm đung đưa, nhún nhảy cả chiếc bóng điện tròn trước hiên nhà. Những đám mây từ đâu theo gió kéo về và cơn mưa ập xuống. Mưa thật nhanh, mưa lớn, mưa xối xả.
Căn phòng nhỏ nơi kê giường của vợ chồng anh lính bắt đầu cũng mưa, trên mái nhà, những viên ngói lâu ngày bị vỡ ngang do những người gác vài cây tre để bắc rạp hôm trước đám cưới đã làm vỡ ra mà chẳng ai để ý. Lúc đầu còn mưa nhỏ, nước chảy ít. Nhưng ngoài trời, càng ngày càng mưa lớn và cứ thế nước trên mái nhà xối xuống như ngoài trời. Anh lính chợt nhớ ra có chồng quà mọi người tặng trong đám cưới hồi trưa. Đó là mất chục cái chậu thau men. Hai vợ chồng anh lính lấy nguyên mấy chục cái chậu thau ra để hứng nước mưa mà vẫn không xuể. Cứ hứng nước gần đầy thau lại đổ ra ngoài sân qua cái cửa ngách ở hiên nhà. 
Anh Lính phải cuốn cái nệm lên, nhưng… ôi thôi! Cái nệm cũng ướt sũng nước từ lúc nào. Mọi thứ mùng mền cũng rủ nhau đều làm bạn với nước. Và thế là cả hai vợ chồng anh lính cứ thay nhau hắt nước mưa từ trong nhà ra sân, giống y như đi tát vét hồi hai người còn bé tẹo. Khi đã thấm mệt vì tát nước mưa dột, cả hai vợ chồng anh lính ngồi nghe mưa và nhìn nước dột chảy từ trên mái nhà… và cười!!!
Mấy con gà nhà ai đã cất lên tiếng gáy. Ngoài kia trời vẫn mưa như trút nước. Những cái chậu thau hứng nước thì mỗi lúc lại đầy lên, sóng sánh, vênh váo như thử thách sự kiên trì của vợ chồng anh lính. 
Giường ngoài nhà, Mẹ anh lính không ngủ được vì tiếng mưa, tiếng hắt nước và ánh sáng điện. Nghe tiếng anh lính hắt nước mưa ra sân, Mẹ anh lính bước vào và hỏi: Mưa dột à con. Thật khổ! May mà có mấy chục cái chậu thau chứ không ngập hết nhà. Mùng mền ướt hết rồi ư! Thôi! Cứ mặc nó, mai hãy tính. Trời sắp sáng rồi, để vợ con vào ngủ với mẹ, con cũng sang giường kia ngủ với các anh. 
Mọi người lại tỉnh hẳn trong đêm mưa tầm tã. Thằng cu cháu anh lính nó mới được năm tuổi, nó cũng tỉnh ngủ từ bao giờ. Nó níu lấy tay bà nội hỏi:Bà ơi! Bác Khánh bảo là mưa to, nhà dột, thế là cơm treo, mèo nhịn đói. Sao bà không cho mèo nhà mình ăn cơm!!!
Cả nhà phá lên cười. Vợ chồng anh lính cũng cười, thật vui. Chỉ có mỗi thằng cu cháu anh lính là ngơ ngác chẳng hiểu mọi người cười cái gì, thế nhưng nó cũng tít mắt cười theo. Mẹ anh lính thì nói như an ủi: Đám cưới xong mà mưa là may mắn con ạ, mà lại là mưa lớn. Đôi khi ông trời cũng thử thách lòng người. Mẹ tin là các con sẽ được hạnh phúc.
Anh lính nhìn vợ trong ánh mắt đắm đuối như nói với nhau bao điều và cũng vẫn hy vọng hạnh phúc sẽ đến ngập tràn như cơn mưa ngoài kia giống như ao ước của mẹ anh. Rồi cả hai cùng cười, một nụ cười hóm hỉnh và cùng ngước nhìn lên bức tranh có hình những trái dâu tây chín đỏ treo trên bức tường phía đối diện. 
Mọi người lại chìm trong giấc ngủ êm đềm. Đêm tân hôn của vợ chồng anh lính trẻ trôi đi khi trời vẫn cứ mưa. Và bức tranh những trái dâu tây vẹn nguyên, chín đỏ vẫn cứ treo trên bức tường trắng muốt.

Lính Già – 02.5.2009

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 4

Phần 4 - Ngày Hạnh phúc! 

Buổi tối miền đồng bằng thật trong lành.
Sau bữa cơm chiều, nhà anh lính hôm nay nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người hàng xóm và các cụ già trong làng nghe tin anh lính được về phép đã lục tục kéo đến uống trà, ăn trầu, ăn kẹo bánh, hỏi thăm sức khoẻ anh lính. Đám nam nữ thanh niên thì túm tụm dưới bếp đun nước và thỉnh thoảng lại tán một câu bông đùa rồi cười ré lên với nhau. Mấy đứa nhỏ thì tíu tít chạy nhảy ngoài sân, trên hè vì được chú lính cho bóng bay để thổi, và chia kẹo cho ăn. Một không khí đầm ấm vui tươi và hạnh phúc nhưng rất giản dị chỉ ở thôn quê mới có. Họ đến với nhau không câu lệ, không vì mục đích toan tính, vụ lợi gì ngoài tình cảm nồng ấm của những con người nông dân cần lao thuần tuý thật thà, chất phác, tối lửa, tắt đèn, buồn vui, sướng khổ có nhau.
Các cụ ông thì hỏi chuyện cơ quan, đơn vị, chuyện học tập, rèn luyện của anh, chuyện thăng quan tiến chức, chuyện thời sự trong và ngoài nước ra sao… Các cụ bà thì hỏi chuyện gia đình, riêng tư, vợ con đợt này về nhà tính toán thế nào. Rồi cuối cùng một cụ bà kết luận bằng một câu xanh rờn: Cha bố nhà anh, khổ cái đời bộ đội, anh nào cũng vậy cứ mải phấn đấu công tác suốt chẳng về mà lấy vợ lấy con. Bằng tuổi anh mấy đứa ở làng nó đã có hai ba mặt con rồi. Thôi! Đợt này về lo mà tổ chức đám cưới rồi đẻ cho mẹ anh vài đứa cháu nội rồi anh muốn phấn đấu bao năm cũng được. Chứ cứ để con gái người ta chờ đợi anh đến già hay sao! 
Câu nói của cụ như quở trách, như so bì, như hờn giận, như lo toan, như mong mỏi một điều gì rất dung dị và đơn giản. Anh lính chỉ cười và đáp lại: Vâng con nghe lời cụ. Đợt này về con sẽ xin lo hết ạ. 


Hình như chỉ cần có thế, cả nhà lại ồ lên vui mừng. Họ vui mừng vì đã lâu rồi cả làng chưa có một ngày vui. Và cũng đã lâu rồi họ thấp thỏm, trông chờ đám cưới của anh, họ thương anh, họ quan tâm đến anh, họ sợ mẹ anh tuổi già đang sập xuống không còn sức để lo toan, che chở cho anh. Một thứ lo toan rất đời thường, chân thành, chất phác và rất thực tế. Cứ thế, buổi thăm nom, trò chuyện kéo dài tới tận khuya mọi người mới lục tục ra về. 
Mẹ anh gọi anh lại bàn chuyện cưới vợ cho anh. Mẹ anh nói: Trầu cau mẹ đã chuẩn bị sẵn, lợn gà mẹ cũng đã nuôi trong chuồng. Tất cả chỉ chờ anh về đồng ý cưới vợ, mẹ sẽ lo tất. Mai mẹ sẽ sang nói chuyện với gia đình bên nhà người yêu anh và cho gọi các anh các chị tranh thủ về mỗi người giúp một việc.
Anh lính chỉ biết dạ vâng đồng ý theo sự chỉ bảo của mẹ. Vì anh biết rằng nói lên bất cứ điều gì lúc này cũng chỉ bằng thừa. Mẹ anh đã ao ước có con dâu út lâu lắm rồi. Nên dù tuổi già nhưng vẫn tảo tần, chắt bóp, dành dụm, lo toan xây dựng cho anh như là để làm tròn trách nhiệm và bổ phận của một người mẹ.
Thế là cả hai gia đình gặp mặt và bàn bạc chuyện đám cưới của anh. Và ngày cưới cũng được ấn định. Lúc đầu, mẹ anh đi xem ngày và ấn định ngày 27 tháng 4 năm 1993 nhằm ngày mùng sáu tháng ba nhuận. Nhưng rồi mọi người nhận ra rằng ngày đó cũng có một đám cưới nữa ở cùng làng, mà cái làng thì bé tẹo chưa đầy hai trăm nóc nhà thì lấy ai đi dự, đám cưới lại mất vui. Thế là anh lính nói với mẹ anh quyết định tổ chức đám cưới lùi lại ba ngày là vào mùng chín tháng ba nhuận năm Quý Dậu với một lời giải thích đơn giản: Mẹ ơi! tháng nhuận thì ngày nào cũng tốt, mẹ ạ. Mẹ anh cũng xuôi và lại vất vả chạy ra bàn bạc với bên nhà gái. Thật khổ!
Rồi mọi người gần xa cũng về tập trung đông đủ, mỗi người mỗi việc. Người thì lo mua sắm, mời mọc họ hàng, bà con xa gần, người lo tổ chức bắc rạp, đặt bàn ghế, chợ búa, ăn uống, mua hoa, thuê nhạc. Anh lính như người cưỡi ngựa xem hoa, chẳng biết làm gì. Và cuối cùng có nhiệm vụ là chở người yêu đi lo thuê quần áo cưới mãi tận phố huyện và mời mọc bạn bè riêng của hai người. 



Như mọi lần anh lính về, đêm trước hôm cưới có thằng cu cháu bên hàng xóm tên là Thức. Nó cứ lải nhải đòi mẹ nó cho sang ngủ với chú lính một tối không sợ mai chú ấy cưới vợ thì hết được ngủ chung với chú lính. Và mẹ nó đồng ý. Đêm ấy, nó được ôm chú lính đắp mền ngủ trên chiếc giường cưới mới tinh trong căn buồng ấm áp. Nó sướng mê đi!
Gần một giờ đêm, mọi người gọi anh dậy đi đón dâu. Anh lính chẳng hiểu gì. Đang mắt nhắm mắt mở thì mẹ anh bảo: Mẹ duy tâm, mẹ đi coi thầy, thầy bảo số con và vợ con xung khắc, nên phải rước dâu hai lần, mẹ cũng đã nói bên ông bà đằng ấy. Con chịu khó nghe lời mẹ, đi một tí rồi về. Thì ra mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn tất cả mọi thứ cho một lễ rước dâu ban đêm. Anh lính cũng nghe lời mẹ, đánnh răng rửa mặt đi rước cô dâu vào gần hai giờ đêm. May sao mà nhà trai nhà gái chỉ cách có vài chục thước chứ ở xa thì chắc chịu, chẳng thể rước được dâu kiểu này!!!
Đêm! Trong giường ngủ, thằng cu Thức vẫn cò quăm, đắp mền ngủ khin khít, chẳng biết chú lính đã dậy đi rước được cô dâu quay về nhà vào lúc gần ba giờ sáng.
Còn cô dâu được anh lính rước về trong đêm thì bẽn lẽn, chỉ kịp xuống bếp đun xong ấm nước sôi cho vào phích rồi lại tót về nhà mẹ đẻ, chờ ngày mai, giờ hoàng đạo anh lính sang rước về.
Hôm sau là lễ cưới chính thức của anh lính. Ngày cưới của anh thật vui, họ hàng anh em xa gần về dự đông đủ. Có những người bạn học cùng thời với anh cả chục năm trời chưa một lần gặp lại nay cũng về tề tựu đông đủ. Họ nâng ly rượu chúc mừng hạnh phúc của anh, họ chúc anh những điều tốt đẹp nhất, chân thành nhất. Đám cưới của anh thật nhiều hoa và rộn ràng tiếng nhạc. Khi đón cô dâu về, họ tặng anh thật nhiều quà. Người thì tặng anh cả cái mền bông Thái Lan to tướng, và nhiều nhất là chậu thau. Dễ đến gần năm chục cái chậu thau men... Còn anh, anh lính tặng cho cô dâu chiếc nhẫn cưới để đánh dấu ngày hạnh phúc nhất của anh và cũng là ngày đầu tiên anh và người yêu anh thành chồng, thành vợ trước sự chứng kiến của rất đông người. Gương mặt cô thôn nữ ngời lên niềm tin yêu và ngất ngây hạnh phúc sau gần bảy năm yêu nhau, đợi chờ và hy vọng. Anh lính và cô đọc được các ngôn từ không thể diễn tả bằng lời trong ánh mắt ấy của nhau.
Anh lính cảm ơn mọi người và hát tặng cô cùng mọi người một bài hát có tựa đề “Cô bé ngày xưa” của nhạc sỹ Hoài Linh với điệu nhạc tango lịch lãm, sang trọng và đầy quyến rũ. Bài hát đã nói lên suy nghĩ, lòng chân thành và tình yêu của anh. Đám cưới của anh lính và cô thôn nữ thợ cấy bậc bảy cứ thế theo tiếng nhạc cuốn đi trong hân hoan và những lời chúc mừng. 
Hôm nay, anh lính và cô thôn nữ mãi mãi để lại đằng sau mình những tháng ngày sống độc thân. Và con đường hạnh phúc đang mở ra phía trước được hai người bắt đầu dìu nhau bước đi với bao nhiêu dự định tốt đẹp. Họ đắm chìm trong vòng tay hạnh phúc.
Trời chiều cuối xuân vẫn ngập tràn nắng vàng và vi vút gió. Khóm trúc ngoài bờ ao vẫn rì rào, kẽo kẹt ngân lên bản tình ca thôn dã. Vườn cà trước cửa nhà anh lính vẫn mơm mởn xanh, những chùm cà sớm sai chĩu quả và no tròn như những viên bi ve chen trong những bông cà màu phơn phớt tím. Tìnhyêu và hạnh phúc của những con người nơi miền quê vùng đồng bằng châu thổ sao đằm thắm, giản đơn và bình yên đến lạ.

Lính Già - Ngày 26.04.2009 Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 3

Phần 3. Lối quê xưa! (Ngày về)

Xuống Ga Hà Nội. 
Anh Lính hoà vào dòng người trên phố Trần Hưng Đạo khoác Ba lô ung dung bước trên hè phố ra bến tàu thủy về quê.
Chiếc tàu thuỷ hú những hồi còi dài và dời bến. Ngồi trên boong tàu, anh lính bồi hồi nhìn hai bên bờ sông Hồng ngút ngát một màu xanh mướt mắt của những bãi ngô non sắp đến thời kỳ trổ cờ. Trời cuối xuân trong mát đến lạ lùng. Hình như trời thương anh, trời đón anh về quê vào một ngày đẹp như thế. Lòng anh lính xốn xang như muốn hát. 
Nhiều người trên chuyến tàu thuỷ hôm ấy họ cũng nhận ra anh. Họ là người cùng quê với anh, họ đi ngược xuôi, buôn thúng, bán bưng trên Hà Nội để kiếm thêm tiền chi tiêu cho gia đình trong những lúc nông nhàn. Họ túm vào hỏi han, trò chuyện. Họ nói cho anh nghe về chuyện làng mạc, chuyện quê hương, dòng họ… Họ cứ bô bô chẳng cần ý tứ. Họ thấy như hãnh diện khi là người đầu tiên được gặp anh. Họ nghèo, nhưng tâm tính họ tươi vui, chất phác, thật thà, tình cảm và nồng hậu. Anh Lính thấy mình nao nao xúc động và nhỏ bé trước những con người cần lao ấy.
Rồi chuyến tàu cũng cặp bến. Mọi người nhốn nháo, gồng gồng, gánh gánh lên bờ. Dù tất bật nhưng một chị trong đám cũng không quên bỏ lại cho anh lính một câu bông đùa nghịch ngợm: Này! Chú cứ từ từ mà về sau! Chị về trước, chị gọi người yêu chú mau mau chạy ra mà vần khẩu pháo đại về nhá! Rồi chị nháy mắt một cái trông rất điêu và lao đi thoăn thoắt.
Anh cười hiền đáp lại, rồi anh xốc ba lô đi dọc triền đê xanh mướt cỏ may. 
Đây rồi cánh đồng lúa, và kia những bãi ngô, những vồng khoai của quê anh. Tất cả nó nồng nàn mơn mởn đang thời con gái. Cả một thảm xanh trước mắt anh dập dềnh, uốn éo, đung đưa, ngả ngớn, vờn giỡn như làm mình, làm mẩy với gió xuân, tạo lên những làn sóng xanh nối đuôi, đuổi nhau đẹp đến nao lòng.
Anh lính cởi đôi giày sĩ quan, nhét vào cóc ba lô, xắn quần, đi chân trần xuống đất. Một cảm giác mát rượi lùa vào kẽ chân. Ôi cảm giác đôi chân trần của người lính xa quê bước trên thớ đất quê hương nó mới thanh thản và thánh thiện làm sao. Những kỷ niệm thủa ấu thơ tưởng như đã chôn chặt, cất giấu trong tâm hồn của người lính bỗng ùa về trong ký ức. Cũng mảnh đất này, triền đê này, 20 năm trước anh và đám bạn trăn trâu, cắt cỏ một thời đã sống với những trò chơi đánh trận giả hay lấy quả phi lao cho vào ống bơ đốt lên sưởi ấm mỗi khi gió mùa đông bấc tràn về. 


(Ảnh này sựu tầm tại nhà tôi! Nếu vợ tôi đòi bản quyền, tôi xin bóc xuống ngay ạ!)


Đón anh trên dốc đê đầu làng là một cô thôn nữ cùng học một trường với anh ngày xưa ấy. Đấy là người yêu anh. Con gái của một ông Bác sỹ Quân y đã được về nghỉ hưu từ những năm 1972. Ông được nghỉ hưu sau hai mươi mấy năm tham gia hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ.
Vậy mà anh lính và cô yêu nhau đã gần bảy năm rồi đấy nhỉ. Gần bảy năm yêu nhau chỉ qua những cánh thư và ít có ngày gặp mặt.
Cô đẹp! Cái đẹp rạng ngời, mặn mà, có duyên thầm, kín đáo và nhẹ nhàng với cái dáng cao cao, mảnh mai nhưng tròn lẳn, gọn gàng của một cô thôn nữ thợ cấy bậc bảy chứ không phải nét đẹp sắc sảo, chanh chua như mấy cô gái mặt đầy kem phấn, lẳng lơ, áo quần loè xoè ở phố xá như những nơi anh đã qua. Có lẽ anh lính yêu cô cũng vì lẽ đó. Cô hy sinh đường danh tiến để gánh vác cái vất vả tảo tần cùng cha mẹ lo toan cho các em mình ăn học và lo toan cho cả cha mẹ người yêu của cô. Hôm nay cô mừng lắm khi được tin đi đón anh về. Khuôn mặt cô ngời nên niềm yêu thương, hạnh phúc và hãnh diện. Chỉ có anh lính mới đọc được hết nỗi niềm ở nơi cô thôn nữ. 

Anh lính và cô ngồi nghỉ trên triền đê mơn man gió xuân và đắm chìm trong cảm xúc của những ngày xa nhau biền biệt và họ nói với nhau về nỗi nhớ nhung chờ đợi trong những ngày xa cách. Họ nói về chuyện đám cưới của họ trong một ngày gần nhất. Rất nhiều điều họ muốn nói với nhau…
Hoàng hôn ngày cuối xuân đã ngả màu vàng chanh phía Tây. Những tia nắng mềm và mỏng cuối ngày đã dần tắt trên triền đê xanh mướt. Đàn bò đã đủng đỉnh ra về. Chỉ còn có hai người, Anh lính và cô thôn nữ trên triền đê với tình yêu đắm say và nồng nàn hạnh phúc.
Lính già - Nguyễn Công Bảng 22.4.2009
Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 2

Phần 2. Dọn nhà về ở cùng hàng xóm.

Mưa! 
Mùa mưa đến sớm với miệt sông nước Miền Tây!
Và thời gian cứ dần trôi đi. Khi những ánh mây thay màu rực rỡ theo thời gian báo hiệu mùa mưa lại đến. Cây trứng cá trước cửa nhà Anh Lính đang vào độ chín. Những quả trứng cá chín đỏ, mọng nước, thơm mùi cơm nếp là thú vui của lũ trẻ cả xóm anh đến để nhấm nháp. Và nơi đây cũng là tụ điểm để chúng vui đùa. 
Anh Lính cùng chúng làm những con diều nho nhỏ bằng giấy màu xanh đỏ. Mỗi buổi chiều, anh cùng chúng thả diều bay vút lên bầu trời, như thả tâm hồn của anh và chúng để đi tìm ước mơ vậy. Anh còn dạy chúng cắt chữ. Anh vẽ rất giỏi, anh vẽ cho chúng những con vật ngộ nghĩnh, dễ thương rồi cắt dán chúng lại thành những bức hình rất đẹp. Chúng hớn hở mang về nhà, đứa nào cũng dán đầy một góc nhà của chúng. 
Mẹ chúng thì gào lên không cho chúng dán lên tường. 
Chúng chẳng phải tay vừa lăn ra khóc, giãy đành đạch, vì chúng cho rằng đây là sản phẩm, là thành quả lao động do mồ hôi công sức của chúng làm ra, nên chúng phải được gặt hái, hưởng thụ là một lẽ đương nhiên. 
Mà chú Lính đã dặn nó rồi: Hãy dán lên tường và ngồi ngắm, sẽ thấy hay ra phết đấy!
Bây giờ thì lũ trẻ không thể rời anh lính được nữa. Tụi nó thích anh, nó mê anh. Nó nhảy lên cổ anh bắt anh công kênh. Và anh Lính thấy hạnh phúc khi được tụi nhỏ làm như vậy.
Còn Anh, thích đuổi đứa nào về cũng được nếu như chúng nghịch bẩn. Hoặc anh cười hiền xin tát yêu một cái là thế nào cũng có vài đứa xung phong vênh mặt cho anh tát ngay. Nó quý anh nhưng lại rất nể và sợ anh. Thế mới sướng.
Mẹ của chúng, nhất là cái bà mập mập làm ở Công ty Lương thực của tỉnh bị giảm biên chế do xoá bỏ bao cấp thì vẫn luôn liệt anh Lính vào cái loại hâm hấp. 
Đôi lúc gọi chúng về không được thì chị ta tru tréo, vắt vẻo lên chửi: Không biết cái đồ dở người ấy nó cho tụi bay ăn cái gì mà suốt ngày tụi bay nghe lời nó răm rắp thế. 
Có thằng cãi lại: Con thấy chú ấy giỏi lắm đấy! Cái gì cũng biết! Ba với Mẹ còn lâu mới bằng chú ấy!
Chị mập mập nhà ta lại càng cú ra mặt.
Cánh đàn ông thấy vậy thì bàn nhau lập ngay một bàn trà dưới gốc cây trứng cá để kiểm chứng và câu chú Lính. 
Khi có bàn thì phải có trà. Và thế là món trà xanh gốc trứng cá bắt đầu có từ hồi đó. Nhà nào mua được trà xanh thì căn me mà ủ rồi mang ra uống. Không có trà xanh thì uống trà khô. Anh Lính cũng tham gia uống trà và trò chuyện rôm rả. Chuyện thời cuộc, trên trời, dưới đất. Chuyện làm ăn... Anh còn mua cho lũ trẻ một bộ cờ cá ngựa mà bốn đứa cùng chơi một lúc, và mua cho cánh đàn ông một bộ cờ tướng. Tha hồ đánh cờ cứ bôm bốp. Thế là đã đông lại càng đông. Người lớn chơi cờ tướng. Lũ trẻ chơi cá ngựa cãi nhau ỏm tỏi. Tụi nó đã sướng lại càng sướng, đứa nào cũng mê đi. Buổi tối, anh Lính kéo luôn cái bóng điện tuýp loại 20w ra đằng trước cửa nhà gốc cây trứng cá để cả dãy vui chơi. 
Các bà vợ thấy hay hay cũng lân la tham gia uống trà và trò chuyện.
Bà mập mập bị giảm biên chế còn bô bô nói thẳng với anh lính rằng: Nói thật với chú, lúc chú mới về tôi là tôi ghét chú nhất luôn.
Anh cười hiền hỏi lại: Thế bây giờ đã yêu chưa! 
Bà ta trả lời ngay: Yêu rồi! Đồ quỷ sứ!
Một thằng nhỏ chõ miệng vào: Thế mà hôm nọ mẹ lại bảo chú ấy là đồ khinh người! Con chả tin!
Mẹ nó nguýt! Ranh con! Biết gì mà nói leo!!! 
Rồi chị cười tít mắt phân bua: Đấy là lúc trước, mình chưa hiểu nhau! 
Lâu dần các bà vợ hễ cứ thấy lũ trẻ chơi cá ngựa, các ông uống trà thì nhà bà nào có trái cây lại mang ra góp để ăn chung, nhà thì nải chuối, nhà thì vài cái bánh, nhà thì rổ mận (ngoài Bắc gọi là quả Roi), rổ xoài... Cả xóm cùng ăn. Vui đáo để. Đặc biệt là vào sáng chủ nhật. Sau bữa sáng là các ông lại tụ tập trà lá cho đế khi mặt trời đứng bóng mới giải tán. Thế là cả dãy tập thể tự tạo ra một luật bất thành văn của cả dãy là tập trung uống trà, ăn trái cây vào buổi sáng chủ nhật.
Khi lớn bé cả dãy tập thể cảm thấy sống không thể thiếu anh Lính được nữa thì đùng một cái, anh lính khoá cửa, gửi nhà, tuyên bố đi phép. 
Mà anh Lính đi phép không phải một tháng mà là tháng rưỡi. 
Lũ trẻ nháo nhác, ngơ ngác, buồn buồn. 
Các bà vợ thì lân la hỏi dò: Về cưới vợ hả. 
Chú Lính chỉ cười....
Bà mập mập lại đon đả: Này, ở đây, tôi gả em gái tôi cho chú đấy. Nếu về phép đưa ông bà vào đây chơi, tiện thể làm đám cưới, tổ chức luôn. Cả hai nhà cùng lo, sợ quái gì.
Anh lính cười hóm hỉnh! Gớm! Em xin các mợ, các mợ cứ choe choé suốt ngày thế thì bố ai dám rước em gái của các mợ. Lấy em các mợ về để nó lại xỏ mũi tôi à! Tôi chả dại. Còn lâu tôi mới dại nhá!
Trước hôm đi phép, anh làm cơm mời cánh đàn ông cả dãy uống rượu. Các ông uống say, gõ đũa, gõ bát hát ông ổng, thoả thuê. Lại vui!!!
Sáng hôm sau cả lũ trẻ con trong xóm tranh nhau vác ba lô tiễn anh ra đường lớn để anh đón xe ô tô, ra ga xe lửa lên tàu về Bắc... 
Tạm biệt lũ trẻ, lên xe ngồi, anh Lính nghĩ: kế hoạch “dọn đường về ở cùng hàng xóm” của anh, cơ bản đã thành công. Ngồi trên xe, anh Lính thiếp đi và anh mơ một ngày nào đó anh có vợ, có con, và vợ chồng con cái anh sẽ vui sống trong một khu tập thể tràn ngập tiếng cười. 
Ngoài kia! Ơ kìa! Những giọt nắng trèo qua ô cửa kính xe nhảy múa, lung linh sắc màu.
Lính già – 19.04.2009 
Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 1

1. Lũ trẻ.
Đó là vào mùa khô của năm 1992. Thời ấy kinh tế còn eo hẹp lắm.
Mới chuyển về ở căn hộ trong dãy tập thể gia đình là một anh lính độc thân, vui tính, tầm thước, khoảng 28, 29 tuổi. 
Mọi người trong cả dãy nhìn anh bằng ánh mắt khác lắm. Vài người tò mò đoán già đoán non: Có khi thằng này nó bị dở người, hay là bị chập cheng. Mặt mũi nhìn non choẹt. Sao nó không ở cùng bạn bè trong đơn vị cho vui mà lại mua nhà ra ở riêng một mình nhỉ. 
Hay nó xí phần! Chả phải, đơn vị còn ối nhà!
Hay nó chuẩn bị cưới vợ nhỉ??? Cũng chả phải!
Mà cả đơn vị có thấy nó yêu đứa nào đâu!
Nếu nó mà yêu thì chúng nó chẳng tít lên như đèn cù ấy chứ. 
Gớm! Chả bao nhiêu đôi, yêu nhau, rồi chở nhau đi chơi, rồi giận hờn, rồi dỗ dành. Lãng mạn ra phết đấy thôi. 
Còn thằng này, nhìn mặt nó cứ ngơ ngơ. Gặp hàng xóm chỉ nhoẻn cười chào nhẹ một cái như sợ đau cái gì, rồi lại thụt vào nhà sơn sơn, quét quét, dọn dọn suốt ngày. 
Mọi người lớn tỏ ra ghét anh lính này ra mặt.

Duy chỉ mấy đứa trẻ con là khác. Chúng mon men đến chơi với anh lính và có vẻ vui vui. 
Anh cũng hay giỡn với chúng. 
Những hôm cúp điện, đưới ánh đèn bình, anh tổ chức chơi những trò chơi dân gian rồng rắn lên mây. 
Anh bảo tụi nó là rồng, là rắn. Còn anh là thày thuốc. 
Những lúc như thế nhìn cái mặt anh cứ hơn hớn như bằng vai phải lứa với chúng. 
Còn chúng nó đứa nào đứa ấy mắt cứ tít lại như cái gạch ngang bằng bút lông trên trang sách.
Anh cho chúng ăn những đồ ăn vặt trong tủ lạnh nhà anh. 
Tụi nó sướng, khoái tới tận củ tỉ, vì nhà tụi nó làm gì có tủ lạnh. Tụi nó nhìn anh bằng con mắt như biết ơn.
Một hôm, giỡn với chúng, anh bảo thằng lớn nhất trong đám tên Tân: Tân này, Tân cho chú mượn cái mặt của Tân để chú tát một cái. Hôm nay tự nhiên chú thèm tát quá!
Tất cả đám trẻ ngây người. Thằng cu này sợ, nhìn hay bàn tay của chú lính xoa xoa, vỗ vỗ vào nhau, nháo nhác. Nhưng sợ chú lính phật lòng, không chơi với chúng lên cũng đồng ý, vênh mặt lên cho chú lính tát một phát.
Đau! 
Cu cậu đau!
Cố nhịn, nhưng coi chừng không nhịn được nữa! 
Cậu ta oà khóc và chạy về, để lại đám trẻ lao xao ngơ ngác. 
Còn anh lính thì phì cười.
Cu cậu về lấy khăn lau nước mắt rồi lại chạy ra, bất chấp sự ngăn cản của mẹ. Miệng lí nhí: Cho cháu chơi với!
À thì ra lũ trẻ nó thương anh thật, nó sẵn sàng làm bất cứ việc gì để anh được vui, nó sợ anh buồn, sợ anh giận nó nên nó đồng ý để cho anh tát. Nó nghĩ dù tát có đau một chút thì nó cũng ráng chịu để cho anh được vui. 
Anh thầm nghĩ và mỉm cười. 
Con nít nó có tình hơn người lớn ở tính tự giác hy sinh, thơ ngây, vô tư và dễ thương như thế.
Từ đó sau mỗi buổi anh lính đi làm về, Anh chẳng phải đi chơi nhà hàng xóm. Lũ trẻ tự động đến nhà anh, vui chơi, kể chuyện... Qua những câu chuyện của chúng, anh hiểu hết hoàn cảnh của từng nhà trong khu anh ở một cách chính xác và cặn kẽ.
Những người lớn ở hàng xóm vẫn cho anh là cái thằng dở người. Nhưng phần nào đã có thiện cảm hơn
Còn anh lính chỉ tủm tỉm cười một mình và suy nghĩ để hiểu sâu xa hơn cái câu các cụ nói: Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. 

Lính Già! 15.4.2009

Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để đọc)

HẬU DUỆ NGƯỜI OÁNH GIÀY

Hôm trước đi công tác Hà Nội. 
Gặp trời rét. 
Mưa phùn lây phây.
Buốt thấu xương.
Thích!
Cái cảm giác của gần 20 năm nay mới có không khí lạnh như thế ào vào mặt.
Đi giữa phố phường Hà Nội, ngẩng mặt hít hà gió lạnh mà thấy nao lòng. Lâu lắm rồi mới có được chút thong thả đi phố sắm quần áo lạnh. Hà Nội nhiều quần áo lạnh và rẻ, lại đẹp nữa. Mình thích phụ nữ Hà Nội mặc áo bành tô đến ngang đầu gối. Có cái gì đó đài các, sang trọng và lịch sự. Mình thích đàn ông Hà Nội mặc comple, cavat, áo len. Nói chung là gọn gàng, lịch lãm. Thế là mình thích. 
Có khi mình dở hơi rồi cũng nên! Cái đẹp thì ai mà chả thích!!!
Mưa phùn, giày bẩn!
Thế là mò đi đánh giày. 
Mò đến Tràng Tiền sau khi hỏi thăm mãi. Mình là dân nhà quê ra phố mờ. 
Gặp ngay bố Bảng. 
Đinh Văn Bảng. Biệt hiệu Bảng hói. 
Bố này có thâm niên đánh giày vài chục năm ở ngay 22-24 Tràng Tiền. Hà Nội đầy tiệm đánh giày. Nhưng mình tò mò vì ông này cũng tên là Bảng, trùng với tên của mình. Nổi tiếng vì đánh giày kỹ và hay chuyện.



Mình vừa ghé xe vào ông đã ngẩng lên, vê điều thuốc lào cho vào lõ điều, vỗ vỗ và châm lửa rít một hơi dài, nhả khói nghi ngút, sảng khoái. Ông hỏi: Bác đánh giày à. Mình bảo: Vâng. Chú đánh cho cháu đôi giày. Ông thảy đôi dép cho mình đi và bảo chờ tí nhé. 



Mình vờ hỏi như chưa biết: 
- Có phải chú tên là Bảng. 
- Ừ! Đinh Văn Bảng. Bảng hói Nam Định đây. Cả thế giới này biết tôi!
- Bố cứ đùa quá!
- Thật đấy! Hôm rồi có bà bên Úc sau khi đọc báo trên internet, có người bạn về Việt Nam thế là bà ấy gửi cho tôi 01 thùng xi đánh giày của Úc. Bà bạn ra sân bay cân hành lý quá tiêu chuẩn, đành bỏ lại. Bà ấy gửi bù cho tôi mấy trăm USD đấy!

- Bố sướng nhể!
- Nhiều người thương tôi, Tây, ta gì đều biết cả. Chú là Bộ đội hay Công an!
- Sao bố biết!
- Tôi nhìn giày là biết! Giày này cũ quá rồi. Chắc đi cũng được vài năm.
- Mới có 3 năm thôi bố ạ!
- Cậu chắc chẳng biết lòng thòng trai gái. 
- Ai bảo bố thế! Con là chúa chim chuột đấy bố ạ. 




- Đừng giấu tớ. Đôi giày nói lên tất cả. Cậu không phải là người nói dối.
- Bố sai rồi, con đang nói dối bố đấy! Bố ạ!
- Cậu không phải là người đi ngang về tắt. Cậu thích chân phương. Thích cái đẹp cổ điển. Khá vững vàng. 

- Bố ơi! Cái gì con cũng thích mới, tiền mới càng thích. 
- Cậu chẳng tham tiền. Nhưng suốt đời cậu phấn đấu để có tiền. Cậu chả sợ đói. Hết lại có. Cậu lạc quan.
- Từ sáng con chưa ăn gì đây bố này! Đói run người.
- Tôi cũng mới làm hai bát chè đỗ đen. Thế là xong bữa. Phải làm kịp hàng giao cho khách. Cả đống giày.

- Bố đắt hàng nhỉ.
- Toàn khách quen, từ Hà Đông, Đông Anh, tây ta đủ cả. Mỗi người vài ba đôi. Cậu là người tất bật nhỉ.




- Con nhàn hạ lắm! Bố ạ!
- Chẳng phải! Cậu vất vả nhưng vẫn khoan thai. 
- Bố cứ như thánh sống.
- Đôi giày nói lên tất cả. 
- Sao thế thật à!
- Ừ! Này nhé! Đế giày của cậu đi gần 3 năm mà mòn chưa đáng kể. Đế giày lại mòn rất đểu không mòn lệch về bên phải hay mòn lệch về bên trái. Mõm giày lại bị sứt da nhiều chỗ, giày cũ nhưng cũng được chăm chút thường xuyên. Nhìn giày của cậu, tôi biết cậu là người thế nào. Tôi có kinh nghiệm ít khi sai. Nhiều người phải công nhận là tôi đã đúng. Các cụ bảo dáng đi nết ở mà.

- Này! Bố ơi! Con cùng tên với bố đấy.
- Nỡm nào!
- Thật. Con cũng là Bảng. Nguyễn Bảng. Mai mốt con về hưu, bố truyền nghề cho con nhá. 
- Cái này dễ, chỉ cần cẩn thận. Xong rồi! Được chưa!!!
- Bóng lắm bố ạ!! Nhiêu tiền hả bố?
- Năm nghìn! 
- Rẻ thế! Con biếu bố mấy đồng uống café! Bố Bảng Nam Định ơi! Bố ngồi con chụp kiểu hình làm kỷ niệm nhé.




Rồi ông Bảng sởi lởi bảo người khách đang ngồi cạnh
- Này ông kia, nhờ ông chụp cho tôi với cậu này một kiểu ảnh. Cậu ngồi xuống đây! Ấy khéo, đổ cốc nước chè của tôi. Để tôi bỏ mũ ra đã. Đây, tóc tôi hói hết rồi nên người ta gọi tôi là Bảng hói.

- Xong rồi! Mai mốt Bố nhớ truyền nghề cho con nhá!!!
- Cứ về hưu đi, gặp Bảng hói ở 24 Tràng Tiền nhé! 
- Cảm ơn bố! Chào bố nhá!
- Cảm ơn cậu! Chúc cậu đi bình an nhé!!!



Tôi lên xe, rồ máy! Có lẽ mình ngày xưa nếu không đi học, không vào quân ngũ, có khi cũng có nghề đánh giày cũng nên! Ừ mà đánh giày để nổi tiếng, vui vẻ và nghiền ngẫm, tinh đời như ông Bảng hói này thì kể cuộc đời cũng nhiều ý nghĩa lắm chứ!!!
Ai ơi! Muốn đánh giày và xem tướng thì cứ về 22-24 Tràng Tiền Hà Nội nhé!!! Có ông Bảng hói đấy!!!
Nếu không còn ông Bảng hói thì sẽ có hậu duệ của ông Bảng lại vừa đánh giày, vừa xem tướng nhá!!!
À mà này! Nếu ai mà hay thích "chim chuột, lòng thòng như mình" thì nhớ đi đôi giày mới đến đánh nhá!!! He..he...
A ha! Hà Nội ơi! Bình dị mà đáng yêu thế không biết! Thế nào ta cũng trở về vì có chỗ đứng chân rồi đấy nhé!!!


Lính già - 19.01.2010