Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

CÁI GỐC

Ôi dào! Nhà ở gần nhau, chỉ là gần thôi.
Hàng xóm thì cũng chả phải. Xa lạ thì cũng không nhưng vợ chồng con cái thì rõ lắm. Mà cả khu ấy ai cũng biết. Chẳng phải người béo bụng theo mô tuýp bây giờ, hơi thấp, trăng trắng, đầu nho nhỏ. Lưỡi khi nói thì le ngoe như lưỡi rắn. Lạ đời. Thày bói phải sợ cái lưỡi ấy. Ối người cũng sợ. Ngoài 50, cái tuổi cũng đủ nếm nhiều vị mặn ngọt, chua chát ở cõi đời từ lúc tóc mới nhú rồi tóc xanh cho đến nay chớm bạc. Trải qua bao thăng trầm biến cố của cuộc đời cho đến những thay đổi theo thời gian mà mọi người thường thấy ngoài xã hội, những tưởng cái hay, cái tốt thấm hết vào suy nghĩ, vào cái nhìn, vào hành động, vào cái lời ăn tiếng nói, vào cái cách cư xử. Vậy mà nào ngờ vẫn chỉ ngắn tũn như một đứa trẻ con.
Ấy chết! Xin lỗi tất tần tật các con trẻ nhá. Ví von như đứa trẻ thì thật tội cho trẻ quá. Trong đôi mắt trong veo, ngây thơ của trẻ thì biết quái gì mánh khóe, đểu giả, thấp hèn của cái giống đời oái oăm đâu. Đến đây thì bí từ, chẳng biết quy về hạng người nào. Cân đong đo đếm cho chán, rồi rằn vặt, mất ăn, mất ngủ thế là cứ tạm quy về cái loại đểu, hèn hạ và cơ hội. Tạm quy thế chứ cũng chả đúng vì có khi còn nặng hơn thế. Chả nhẽ trên bờ lốc lại chửi toáng lên. Loại ấy nhớn tuổi nhưng xin lỗi không thể gọi bằng những từ cung kính như ông hay bác hoặc chú hoặc anh hay chân thành như cậu hay trìu mến như bạn được. Bởi gọi như thế thì phí lắm lắm, thành ra xa xỉ vì suy đi nghĩ lại không xứng đáng. Sự trơ trẽn, vô liêm sỉ đã ở quá mức độ.
Thôi thì quyết thoáng, chiếu cố gọi bằng “THẰNG” mà cho viết chữ hoa hẳn hoi.
Thằng này trông người nó chẳng đến nỗi nào. Cũng chẳng nằm trong cái dạng nhất , nhì, tam, tứ gì. Thế mà nó hèn mọn, nhỏ nhen, cơ hội và chẳng có một tẹo liêm sỉ nào. Nó bất chấp dư luận thế mới tài. Các cụ ngày xưa bảo loại như thằng này là loại mặt dày! Đóng đinh vào mặt mà không lún! Thất kinh!
Thằng này không phải là thằng vô học. Nó cũng được học ra phết. Nhưng là học chắp, học vá theo kiểu chạy theo chỗ ngồi. Thôi thì thế cũng được nếu như cái sự học của thằng này mà mở mang ra để thiên hạ nhờ. Ấy thế nhưng cái sự học của thằng này lại khác. Nó vận dụng cái kiến thức ông bà cha mẹ và thày giáo dạy nó để ra đời móc túi, mánh lới theo kiểu rất riêng của nó. Nó học mót, chỉ tay năm ngón nói thiên tài, dẫm chân đập ngực, tự cao tự đại. Tinh tướng, bố đời thiên hạ. Bắt chước, lợi dụng lòng tin, lòng tốt của người khác mà vẫn nghĩ mình giỏi, mình tài. Cái giống ngu si không biết sợ, cứ coi trời bằng vung. Mở miệng ra toàn lời cục súc, móc méo, dặt dẹo, lố bịch của một cái đầu thiếu I-ốt trầm trọng.
Ngày trước còn nhỏ, đi bán bánh chưng, bánh nếp trên tàu ngược Hà Nội đôi khi nghe mấy con buôn mồm nói tục, chửi bới nhưng xong lại cười hềnh hệch vì cái tâm của con buôn cũng chả đến nỗi hư đốn như thằng này. Thằng này miệng ngoa ngoắt lắm, nhìn cái lưỡi của nó khi nói cứ thè ra, lia qua, lia lại liếm hai bên mép với tốc độ rất nhanh như lưỡi rắn mà thấy tởn. Các cụ bảo hạng người như thằng này là cái tâm nó độc ác.
Mà thật! Thằng này "ăn cháo đá bát" cộng với cái tính "kém miếng khó chịu". Người nào thằng này cũng đá. Chẳng cần biết người ngoài hay người trong nhà. Chả dám so sánh thằng này với giống chó. Bởi con chó người ta có đánh, có mắng thì nó vẫn ngoe ngoe cái đuôi quay lại với chủ. Và như bên Tây, con chó khi chết còn được quý mến như luật sư George Graham Vest viết diễn văn thương tiếc chứ thằng này chẳng biết là cái giống gì. Chỉ một chút lợi mà sẵn sàng đánh đổi tất cả: lương tâm, phẩm giá con người.
Thằng này có sở trường tiến thân bằng mánh khoé rất riêng của nó. Nó thẽ thọt, nịnh nọt, mượn ghế quan trường của người khác để được đề bạt. Khi đạt được mục đích, nó lia lưỡi, nhăn nhở tuyên bố: ghế nó mượn bây giờ là của nó. Người khác trơ khấc.
Nó đảo tung nhân viên nó quản lý. Người mới sinh con nhỏ nó đánh động điều đi làm xa nhà vài chục cây số. Những đứa khác thấy thế rúm lại. Thằng này lại lia lưỡi. Muốn yên ổn thì đến nhà riêng. Thế là mấy đứa trẻ đỏ hon hỏn lại được dịp khóc rạc cả hơi vì cha mẹ nó bị móc túi hết tiền mua sữa. Tội ghê!!!
Kệ! Cho chúng mày khóc, cứ khóc. Nhá! Nhà cũ thằng này đập luôn, chồng lên đấy là nhà một trệt, vài lầu, ngất ngưởng. Oai!!!
Thằng này chở vợ đi mua đô la. Bị hai đứa đua xe tông cho một phát rồi chạy mất tiêu. Ngoẹo khớp bàn chân. Thế là thằng này phải đi viện vài tuần. Trong lúc cao hứng, thằng này vỗ ngực tuyên bố nó kiếm được cái thẻ cứng cứng, đo đỏ. Ô! Thẻ Thương binh đấy! Mọi người tởn nó chưa. Thằng này được thể, lại lia mép bảo nó đã kiếm cho con nó điểm rưỡi ưu tiên khi con nó đi thi đại học! Kinh chưa!!!
Cơ quan chia đất trồng rau cải thiện, nó cũng phải mồm năm, miệng mười để kiếm miếng đất ngon hơn, rộng hơn người khác. Nước tiểu để tưới rau, nhà nó cũng phải múc nhiều hơn. Thằng này lại bảo nước tiểu không là tiền à. Mà nhà nó ăn sao mà lắm rau tưới nước tiểu thế không biết. Chẳng biết đường ăn rau sạch như mọi nhà.
Mắt thằng này láo lia, xó xỉnh, chỗ nào thằng này cũng soi vào. Và tay nó viết, thằng này chẳng viết nhận xét hay thơ ca hò vè gì. Mà là viết đơn thư nặc danh. Đố ai biết là nó viết. Chỉ có những người nhìn thấu tim nó mới đoán biết hành văn đó của ai. Và cũng chỉ là đoán thôi. Cấm có kết luận được. Nội bộ rối tinh. Thằng này mãn nguyện.
Thế rồi đóng góp, bỏ phiếu tín nhiệm ghế ngồi. Mặt nó xám ngoét, đần thối ra khi nó bị mọi người vạch mặt, bất tín nhiệm vì ghế của thằng này bị mọt khoét.
Nó cứ tưởng mọi người không biết. Nhưng... thằng này nhầm. Nhầm to! Sống ở trên đời ngoài 50 tuổi, qua nhiều thăng trầm đổi thay mà suy nghĩ vẫn giản đơn quá, cái nông cạn, giản đơn của một kẻ ích kỷ, nhỏ nhặt, ganh ghét, đố kỵ, hèn mạt, vô liêm sỉ, cơ hội. Nếu bảo là mất dạy thì không phải vì thằng này vẫn được học, được dạy đấy chứ. Nhưng liệt kê vào dạng hỗn và thiển cận. Có lẽ thằng này không hiểu thế nào là đạo đức, tư cách, phẩm chất của một người cán bộ.
Như Bác Hồ nói "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Cái gốc ấy không có chỗ cho tính cách của kẻ thiển cận, đểu giả, ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ, cơ hội, hèn mạt và vô liêm sỉ nhá!!!

Lính già-Nguyễn Bảng - Thượng tuần mùa hạ 26.7.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét