Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

MỘT NGÀY BÌNH YÊN

Tuyệt!
Một ngày thật bình yên!
Năm nay Quốc khánh tưng bừng vì ngày Quốc khánh trùng với Rằm tháng 7, ngày lễ Vu Lan. Nếu mình ở ngoài Bắc chắc có lẽ cả nhà mình thế nào cũng đèo bồng nhau về quê cho lũ trẻ nó nhảy nhót, dầm đất quê hương để mát lòng bàn chân. Thế nhưng ở đây xa quê quá, đành nuốt nỗi nhớ vào trong tâm hồn để tổ chức ngày Quốc khánh và cúng rằm theo kiểu riêng của gia đình mình. 
Chiều qua! Đi làm về sớm, ghé tiệm hình rửa lại hai tấm hình thờ của cha mình và chú mình để hôm nay treo lên cho đẹp. Chú mình là Liệt sỹ chống Pháp, hy sinh từ năm 1950. Trên đường về, nhìn thành phố trẻ cờ hoa rợp trời mà lòng mình cứ phơi phới như muốn hát ca. Để có những ngày tháng bình yên thế này mình hiểu rằng cha anh và đồng đội tôi trên đất nước này đã đánh đổi biết bao nhiêu máu và nước mắt. Tôi lại thấy trách nhiệm của mình trong cuộc sống hiện tại và tự nhủ lòng mình sống và làm việc thế nào để đừng hổ thẹn, day dứt với lương tâm một người lính.
Về nhà, hai cha con hì hục leo lên treo cờ tổ quốc. Khi lá cờ đỏ tung bay trước cổng nhà, mình có cảm giác hạnh phúc và nhớ về những ngày xa xưa cách đây hơn 30 năm hồi còn đi học cấp hai. Cứ đến gần ngày Quốc khánh là cả trường đi mít tinh, xếp hàng đi vòng quanh xã hô khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng ngày…. rồi tất cả cũng hùa theo hô …Nhiệt liệt, nhiệt liệt, nhiệt liệt”. Ngày đó nó thế. Làm gì có ti vi, loa đài gì. Nhà nào giàu thì có cái đài Sông Hồng nghe tin tức là quý như vàng rồi. Thế nên học sinh là những cái loa công cộng. Hồi ấy mình nhỏ nên vừa hô còn vừa ngượng, vậy mà các cô, các thày cứ bắt phải hô thật to. Con mình bây giờ còn lâu nó mới hô như thế. Mình nghĩ nếu bây giờ mà ra đường hô như mình ngày xưa chắc thiên hạ lại bảo mình điên mất. 
Bây giờ các cơ quan đơn vị họ kỷ niệm các ngày lễ theo kiểu khác, chất lượng và thiết thực cũng như quy mô, hoành tráng hơn ngày xưa nhiều. Đơn vị mình cũng thế. 
Sáng cả nhà dạy sớm. Bà xã mình đi chợ mua sắm đủ thứ, đồ ăn, đồ lễ cúng Vu lan. Tiền vàng… có cả tiều đô la nữa. Quần áo, đồ đạc để hoá vàng cho các cụ, mấy chục bộ. Vợ mình bảo mình đổi mấy trăm ngàn tiền thật bỏ lên một cái đĩa để cúng các cụ. 
Nhìn gương mặt vợ mình cười mãn nguyện như đã làm được điều gì đấy tươm tất, trọn vẹn mà mình thấy cũng yên lòng vì tính chu toàn của những người đang sống đối với những người đã khuất. 
Thôi thì trần sao âm vậy. Các cụ dạy rồi “sống vì mồ vì mả chứ chẳng ai sống vì cả nồi cơm”. Ấy là cách dạy nho giáo của các cụ truyền cho con cháu sau này phải nhớ tới gốc gác tổ tiên để mà đối xử có tình người với nhau. Mình chẳng duy tâm nhưng đều phải duy trì cái phông văn hoá phương Đông để cho con cái nó học theo. Những ngày giỗ tết là phải nghiêm túc, đàng hoàng. Thế nên nhà mình đặc biệt quan trọng rất chú tâm những ngày lễ tết.
Cụ kỵ, ông bà, cha chú lúc sống đâu có được hưởng cuộc sống ấm áp, an nhàn, đầy đủ như ngày hôm nay. Đó cũng là số phận cả. Cứ tự dằn lòng mình vậy để an ủi mình. Thế nên ngày Vu lan này nhà mình làm sớm để các cụ về lai hưởng hương nhang trước, mai các cụ còn về quê với bà con, dòng họ. Tất cả là lòng thành. Lời cầu khấn cũng rất thật, rất lòng thành. Cứ dòng suy nghĩ ấy, trong tâm mình nghĩ ở nơi suối vàng chắc Cụ kỵ, ông bà, cha chú cũng chứng giám cho tấm lòng chân thành của gia đình nhỏ của mình. Và mình thấy tâm hồn mình thật thanh thản.
Ngày này, nhà ai cũng cúng cấp, đèn nhang, hương khói nên gọi điện mời anh chị em bạn bè ai cũng bận, nên nhà mình làm cơn cúng gia tiên xong rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm có gà, có rượu, có xôi, có chè. Cả nhà chộn rộn, vui vẻ sum vầy mà mình thấy trong lòng ngập tràn niềm ấm áp và cảm nhận cuộc sống bình yên đến lạ. 
Một ngày thật hạnh phúc!!!

Lính già - Nguyễn Bảng 02/9/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét