Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 2

Phần 2. Dọn nhà về ở cùng hàng xóm.

Mưa! 
Mùa mưa đến sớm với miệt sông nước Miền Tây!
Và thời gian cứ dần trôi đi. Khi những ánh mây thay màu rực rỡ theo thời gian báo hiệu mùa mưa lại đến. Cây trứng cá trước cửa nhà Anh Lính đang vào độ chín. Những quả trứng cá chín đỏ, mọng nước, thơm mùi cơm nếp là thú vui của lũ trẻ cả xóm anh đến để nhấm nháp. Và nơi đây cũng là tụ điểm để chúng vui đùa. 
Anh Lính cùng chúng làm những con diều nho nhỏ bằng giấy màu xanh đỏ. Mỗi buổi chiều, anh cùng chúng thả diều bay vút lên bầu trời, như thả tâm hồn của anh và chúng để đi tìm ước mơ vậy. Anh còn dạy chúng cắt chữ. Anh vẽ rất giỏi, anh vẽ cho chúng những con vật ngộ nghĩnh, dễ thương rồi cắt dán chúng lại thành những bức hình rất đẹp. Chúng hớn hở mang về nhà, đứa nào cũng dán đầy một góc nhà của chúng. 
Mẹ chúng thì gào lên không cho chúng dán lên tường. 
Chúng chẳng phải tay vừa lăn ra khóc, giãy đành đạch, vì chúng cho rằng đây là sản phẩm, là thành quả lao động do mồ hôi công sức của chúng làm ra, nên chúng phải được gặt hái, hưởng thụ là một lẽ đương nhiên. 
Mà chú Lính đã dặn nó rồi: Hãy dán lên tường và ngồi ngắm, sẽ thấy hay ra phết đấy!
Bây giờ thì lũ trẻ không thể rời anh lính được nữa. Tụi nó thích anh, nó mê anh. Nó nhảy lên cổ anh bắt anh công kênh. Và anh Lính thấy hạnh phúc khi được tụi nhỏ làm như vậy.
Còn Anh, thích đuổi đứa nào về cũng được nếu như chúng nghịch bẩn. Hoặc anh cười hiền xin tát yêu một cái là thế nào cũng có vài đứa xung phong vênh mặt cho anh tát ngay. Nó quý anh nhưng lại rất nể và sợ anh. Thế mới sướng.
Mẹ của chúng, nhất là cái bà mập mập làm ở Công ty Lương thực của tỉnh bị giảm biên chế do xoá bỏ bao cấp thì vẫn luôn liệt anh Lính vào cái loại hâm hấp. 
Đôi lúc gọi chúng về không được thì chị ta tru tréo, vắt vẻo lên chửi: Không biết cái đồ dở người ấy nó cho tụi bay ăn cái gì mà suốt ngày tụi bay nghe lời nó răm rắp thế. 
Có thằng cãi lại: Con thấy chú ấy giỏi lắm đấy! Cái gì cũng biết! Ba với Mẹ còn lâu mới bằng chú ấy!
Chị mập mập nhà ta lại càng cú ra mặt.
Cánh đàn ông thấy vậy thì bàn nhau lập ngay một bàn trà dưới gốc cây trứng cá để kiểm chứng và câu chú Lính. 
Khi có bàn thì phải có trà. Và thế là món trà xanh gốc trứng cá bắt đầu có từ hồi đó. Nhà nào mua được trà xanh thì căn me mà ủ rồi mang ra uống. Không có trà xanh thì uống trà khô. Anh Lính cũng tham gia uống trà và trò chuyện rôm rả. Chuyện thời cuộc, trên trời, dưới đất. Chuyện làm ăn... Anh còn mua cho lũ trẻ một bộ cờ cá ngựa mà bốn đứa cùng chơi một lúc, và mua cho cánh đàn ông một bộ cờ tướng. Tha hồ đánh cờ cứ bôm bốp. Thế là đã đông lại càng đông. Người lớn chơi cờ tướng. Lũ trẻ chơi cá ngựa cãi nhau ỏm tỏi. Tụi nó đã sướng lại càng sướng, đứa nào cũng mê đi. Buổi tối, anh Lính kéo luôn cái bóng điện tuýp loại 20w ra đằng trước cửa nhà gốc cây trứng cá để cả dãy vui chơi. 
Các bà vợ thấy hay hay cũng lân la tham gia uống trà và trò chuyện.
Bà mập mập bị giảm biên chế còn bô bô nói thẳng với anh lính rằng: Nói thật với chú, lúc chú mới về tôi là tôi ghét chú nhất luôn.
Anh cười hiền hỏi lại: Thế bây giờ đã yêu chưa! 
Bà ta trả lời ngay: Yêu rồi! Đồ quỷ sứ!
Một thằng nhỏ chõ miệng vào: Thế mà hôm nọ mẹ lại bảo chú ấy là đồ khinh người! Con chả tin!
Mẹ nó nguýt! Ranh con! Biết gì mà nói leo!!! 
Rồi chị cười tít mắt phân bua: Đấy là lúc trước, mình chưa hiểu nhau! 
Lâu dần các bà vợ hễ cứ thấy lũ trẻ chơi cá ngựa, các ông uống trà thì nhà bà nào có trái cây lại mang ra góp để ăn chung, nhà thì nải chuối, nhà thì vài cái bánh, nhà thì rổ mận (ngoài Bắc gọi là quả Roi), rổ xoài... Cả xóm cùng ăn. Vui đáo để. Đặc biệt là vào sáng chủ nhật. Sau bữa sáng là các ông lại tụ tập trà lá cho đế khi mặt trời đứng bóng mới giải tán. Thế là cả dãy tập thể tự tạo ra một luật bất thành văn của cả dãy là tập trung uống trà, ăn trái cây vào buổi sáng chủ nhật.
Khi lớn bé cả dãy tập thể cảm thấy sống không thể thiếu anh Lính được nữa thì đùng một cái, anh lính khoá cửa, gửi nhà, tuyên bố đi phép. 
Mà anh Lính đi phép không phải một tháng mà là tháng rưỡi. 
Lũ trẻ nháo nhác, ngơ ngác, buồn buồn. 
Các bà vợ thì lân la hỏi dò: Về cưới vợ hả. 
Chú Lính chỉ cười....
Bà mập mập lại đon đả: Này, ở đây, tôi gả em gái tôi cho chú đấy. Nếu về phép đưa ông bà vào đây chơi, tiện thể làm đám cưới, tổ chức luôn. Cả hai nhà cùng lo, sợ quái gì.
Anh lính cười hóm hỉnh! Gớm! Em xin các mợ, các mợ cứ choe choé suốt ngày thế thì bố ai dám rước em gái của các mợ. Lấy em các mợ về để nó lại xỏ mũi tôi à! Tôi chả dại. Còn lâu tôi mới dại nhá!
Trước hôm đi phép, anh làm cơm mời cánh đàn ông cả dãy uống rượu. Các ông uống say, gõ đũa, gõ bát hát ông ổng, thoả thuê. Lại vui!!!
Sáng hôm sau cả lũ trẻ con trong xóm tranh nhau vác ba lô tiễn anh ra đường lớn để anh đón xe ô tô, ra ga xe lửa lên tàu về Bắc... 
Tạm biệt lũ trẻ, lên xe ngồi, anh Lính nghĩ: kế hoạch “dọn đường về ở cùng hàng xóm” của anh, cơ bản đã thành công. Ngồi trên xe, anh Lính thiếp đi và anh mơ một ngày nào đó anh có vợ, có con, và vợ chồng con cái anh sẽ vui sống trong một khu tập thể tràn ngập tiếng cười. 
Ngoài kia! Ơ kìa! Những giọt nắng trèo qua ô cửa kính xe nhảy múa, lung linh sắc màu.
Lính già – 19.04.2009 
Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét