Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

HỨNG NHƯ HỨNG HOA...

Tôi sống ở một tỉnh lẻ của miền Tây Nam bộ. Thỉnh thoảng nhà tôi cũng thích mua vài bông hoa cho vào trong bình để ở phòng khách, phòng ăn. Mỗi khi nhìn ngắm hoa thấy tâm hồn mình cũng nhân văn hơn, tao nhã hơn, yêu đời hơn. 
Tết đến, xuân về, nơi tôi ở thường người ta hay đi mua hoa. Nhà nào cũng phải tìm mua cho mình một cây mai hay một cành mai vàng và vài chậu hoa. Hoa dùng cho thờ cúng thì thường mua hoa Huệ, hoa Cúc đại đoá, Hoa Lay ơn. Hoa dùng trang trí trong nhà thì bây giờ thật đa dạng các loại hoa. Bởi một nhẽ hoa bây giờ ngoài hoa Đà Lạt ra người ta còn nhập khẩu rất nhiều các loại hoa của nước ngoài mà giá rất phải chăng. Chỗ tôi hoa nhập khẩu thường là hoa của Thái Lan. Hồng Công... Giá cũng không đắt lắm. Tôi thì thích chơi hoa Hồng và hoa Lan các loại hơn tất cả. 



Lương bộ đội như tôi thì cũng có khả năng mua được những giỏ hoa mình thích trong bất kỳ thời điểm nào.
Tết về, cả nhà tôi thích đi chơi chợ hoa. Năm nào cũng thế khi chợ hoa bắt đầu là tôi thường dạo qua chợ hoa vài chục lần. Đặc biệt là vào buổi tối. Đi mua thì ít mà đi chơi, ngắm hoa và tìm cảm giác thư thái thì nhiều. Người bán hoa đa phần là nông dân. Họ cũng rất tế nhị. Họ không bao giờ phật ý khi không bán được hoa. Khách hàng cứ xem, mặc cả thoải mái, không mua được thì chào đi về cũng vẫn nhận được nụ cười rất thiện cảm từ những người bán hoa. Nếu khi mua được hoa rồi mà phải thuê phương tiện trở về nhà thì cũng rất an tâm. Mặc dù phương tiện chở hoa chỉ là mấy bác xe đạp lôi thôi. Bạn chỉ việc chỉ cho người chạy xe lôi là mua bao nhiêu giỏ, loại nào, địa chỉ ở đâu. Vậy là người xe đạp lôi tự động xếp hoa, chằng cẩn thận và chở về đến tận nhà theo đúng địa chỉ với trách nhiệm hết sức ngạc nhiên. Và tài xế không bao giờ lấy tiền công đắt, vì họ rất tự giác. Thường thường thì lần nào tôi cũng bồi dưỡng thêm để cho tài xế họ vui trong những ngày giáp Tết. 



Còn nếu bạn có nhu cầu mua các loại hoa bó mừng sinh nhật, mừng một sự kiện gì đó. Bạn chỉ cần điện thoại đến tiệm hoa tươi. Cho họ địa chỉ và số điện thoại của bạn và nơi họ cần mang hoa đến. Họ sẽ làm đúng với trách nhiệm của họ đến mức bạn không phải lăn tăn gì về chất lượng cũng như thái độ phục vụ. Và cuối cùng họ sẽ có nhân viên đến tận nhà bạn để nhận tiền đặt hàng. Quá tiện lợi và lịch sự. 



Đôi lúc thanh thản, tôi ngồi suy tư và nghĩ về hoa. Tôi nghiệm ra rằng người trồng hoa, người bán hoa, người mua hoa và người phục vụ hoa gần như họ hiểu thấu đáo cái tao nhã, cái giá trị, cái tinh tuý của những bông hoa, những chậu hoa nên họ cư xử nâng niu, trân trọng, lịch lãm với những bông hoa hơn. Từ những điều nhìn thấy thường nhật như là hiển nhiên ấy nên có lẽ tôi thích đi chợ hoa và thích chơi hoa hơn. 


(Dù lực lượng an ninh ra sức ngăn cản nhưng một số người vẫn lao vào cướp hoa. Ảnh Hồng Vĩnh)

Chiều nay ngày 05.12.2009 tôi lật tờ báo Tiền phong. Ngay trang nhất đã đập vào mắt tôi bài phóng sự ảnh của Hồng Vĩnh có tựa đề: Lễ hội hoa hạ màn: HỖN LOẠN và bài XẤU XÍ của Xuân Thuỷ nói về Lễ hội Hoa ở Hà Nội kết thúc với sự hỗn loạn. Nam thanh, nữ tú, người trẻ xông vào tranh cướp hoa đã đành, cụ già cũng lên gân dùng tí sức còm còn lại của mình để xông vào giành cho bằng được những bó hoa, coi khinh tất tần tật cả bảo vệ, cảnh sát và Ban Tổ chức. Và thế là giữa thanh thiên bạch nhật bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ của đất Hà thành, Trung tâm văn hoá vào loại bậc nhất của cả nước Việt Nam đã trở thành cái chợ chứa rất nhiều ... kẻ cướp... hoa. Nhốn nháo tới mức độ mà các du khách nước ngoài chứng kiến cảnh này phát hoảng và lắc đầu quay đi buông một tiếng “crazy”. Họ bảo đấy là lũ điên, lũ dại...
Đọc xong mấy bài viết ấy xong mà tôi toé cả mồ hôi dù đang ở trong phòng máy lạnh mở hết công suất. Thế là điều gì xảy ra đã xảy ra.



(Bỏ chạy với hai chậu hoa cướp được. Ảnh Hồng Vĩnh)

Nhớ năm ngoái Hội hoa Anh đào của Nhật bản tổ chức ở đây cũng chẳng khác gì cái... chợ vỡ. Cứ tưởng rằng năm nay Ban Tổ chức rút kinh nghiệm về công tác tổ chức. Còn dân tình và các nam thanh nữ tú xinh xắn, ăn mặc quần áo hết sức thời trang, tóc phi dê quăn tít nhuộn hoe vàng, đi giày cao gót trông rất trí thức kia ngày càng có ý thức hơn trong việc thưởng ngoại cái nét văn hoá có tính tao nhã, thanh cao, tinh tuý trong việc chơi hoa. Thế nhưng có lẽ càng ngày người ta lại càng thất vọng về cách cư xử của một số người với loài các loài hoa đẹp trong Lễ Hội hoa.
Các cụ có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Và “Nâng như nâng trứng. Hứng như hứng hoa” đó thôi.
Tính cách thanh tao, lịch thiệp của người Hà Nội thể hiện ở cách ứng xử văn hoá mà cụ thể ở trong cách nói năng, ăn, mặc, giao tiếp, cư xử nhã nhặn, lịch sự... 
Ấy thế mà các bác, các anh các chị ơi, cái thanh lịch của người Tràng An bị đánh rơi đâu mất rồi mà để cho Lễ Hội hoa năm nào cũng như chợ vỡ.



(Những gì còn lại sau lễ hội hoa. Ảnh Hồng Vĩnh)

Nếu Cụ Lý Thái Tổ mà dùng mình, cựa quậy dậy được có lẽ Cụ cũng vứt luôn cái chiếu rời đô trên tay để chuyển đi nơi khác chứ chả chơi. 
Thương cho Cụ Lý Thái Tổ quá cơ. Cụ cứ đứng ngây nhìn một số các con Hồng cháu lạc của cụ đang là kẻ lương thiện bỗng nhiên biến thành kẻ cướp. Mà cướp gì chả cướp lại đi cướp hoa chứ lị. Thương cho những cánh hoa tuyệt đẹp thế nó có tội tình gì đâu mà người thưởng ngoạn nó lại chả nâng, chả hứng tẹo nào mà lại dẫm đạp nhàu nát lên nó thế.
Chả biết khi các nam thanh nữ tú mang những chậu hoa cướp được về nhà mà vô tình cha mẹ hay có ai hỏi hoa lấy ở đâu thì có lẽ lại trả lời là mới đi cướp được ở Lễ hội hoa à.



Thế mới biết cái ý thức văn hoá nó thật vô cùng và chẳng phải ai cũng có thể dễ dàng lọt qua được cái tham, sân, si để vươn tới hoàn hảo của cái đẹp. 
Vẫn biết là nhân vô thập toàn nhưng trong tôi tự nhiên vẫn muốn bật ra một câu rằng: “Hỡi người già, người trẻ, các nam thanh nữ tú, dù tóc quăn hay tóc thẳng, dù là người Tràng An thanh lịch hay là người dân quê mộc thộn thì hãy biết răn mình, nhìn mình, kìm mình, đừng để con sâu làm rầu nồi canh. Đừng bao giờ làm điều gì để đánh mất đi cái điều quý giá nhất, đó là nét “thanh lịch” vốn có từ bao đời nay của người Hà Nội trước con mắt của công chúng Việt Nam và du khách nước ngoài”. 



Khi nói đến đây tôi vẫn nuôi niềm tin và hy vọng những ... kẻ cướp hoa kia là không có thật.
Buồn lắm người ơi!
Đau đớn lắm người ơi!
Chả biết niềm tin của tôi có bị đặt sai chỗ hay không! 
Thôi thì cứ hy vọng thế!!! Các bạn cũng đừng buồn nhé!!!

Lính già - Nguyễn Bảng 05.12.2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét