Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

NGÀY XƯA CŨ

Hồi ấy! Nhà nó nghèo!
Quê nó nghèo, nghèo lắm. Quê nó nằm ngay con đê sông Hồng bên bờ lở. Ngày chưa xây thủy điện Sông Đà. Mùa nước lũ năm nào quê nó cũng sợ vỡ đê. Cái con đê quai sông Hồng dưới mắt nó như cái con rắn khổng lồ, to lớn, đồ sộ là thế mà cứ mùa nước lũ về là sợ vỡ đê. Đêm về, đang ngủ mà nghe thấy kẻng báo động là y như rằng cả làng nó như ong vỡ tổ, người lớn, người bé nháo nhác trong đêm, nhà nào cũng gánh gồng chuẩn bị để chạy lên đê đi lánh nạn đê vỡ. Thày U nó cũng gồng gánh. U nó dặn nó: nếu U không ẵm được em thì con cứ dắt em chạy lên đê, rồi ngược lên phía Cửa sông, qua khỏi đê quai thì sẽ không bị chết trôi, rồi U sẽ tìm sau nhé! Nó rất sợ và cứ lẩm bẩm.. dạ...dạ mà trong lòng lo lắm. Thế nên mỗi khi có kẻng của hợp tác xã báo liên hồi là nó lại dắt tay đứa em gái kém nó 4 tuổi còn đang ngái ngủ bập báo bập bổ chạy theo Thày U nó đang lo gồng gánh lao vào trong đêm đen vượt lên trên đê chạy nước lũ. Đấy là những ngày mưa lũ.
Những ngày giáp hạt thì củ sắn, củ khoai thay nhau qua bữa. Nhà nào khá giả thì mới được ăn cơm. Mà là ăn cơm độn. Một bơ gạo cõng cả rổ khoai. Miễn sao có cái ăn để qua ngày. Nhà nó các anh chị nó đi công nhân, bộ đội hết nên cũng có tem phiếu, có sổ gạo, thỉnh thoảng cũng chu cấp về nhà nên đôi khi anh em nó cũng được cải thiện đôi chút. Mà cũng chỉ có ba ngày tết mới được ăn cơm không. Còn lại toàn phải ăn độn quanh năm. U nó lúc nông nhàn cũng quay ra gói bánh nếp, bánh chưng để theo tàu thủy ngược sông Hồng lên Hà Nội bán lấy tiền đong gạo. Ngày mưa cũng như nắng, đều đều như thế. Nhà nó dễ chịu hẳn đi. Ít ra anh em nó cũng kiêu hãnh hơn hẳn lũ trẻ cùng làng vì được sở hữu cái bánh nho nhỏ mẹ nó cho ăn khi đi học, trước con mắt thèm thuồng, nhìn nó một cách khâm phục của đám bạn.
Hôm ấy, U nó lên chỗ chị gái thứ ba của nó đi công nhân ở Sơn Tây. Chả là chị nó đánh điện về bảo U lên để mang mì sợi về chống đói. U nó mừng lắm chuẩn bị đi ngay. U nó bảo chỉ đi ngày hôm trước, hôm sau về ngay, ở nhà mấy cha con cứ gói bánh rồi U nó về mang đi bán. Anh em nó ở nhà cũng ngâm gạo, xay bột gói bánh. Bánh đã luộc xong và cột lại tử tế, xếp ra cái nia để nguội. Chờ sáng hôm sau U nó chỉ việc mang lên tàu thủy bán lấy tiền mua gạo.

Chờ mãi đến khuya mà chẳng thấy U nó về. Anh em nó chìm vào giấc ngủ. Sáng dậy, như mọi ngày nó sẽ chuẩn bị đi học. Nhưng sáng nay mưa lớn, mưa suốt từ đêm do ảnh hưởng bão. Sắp đến giờ tàu thủy rời bến mà U nó vẫn chưa về. Nó ngồi nhìn đống bánh đã được xếp vào bao tải chờ U nó về mang đi bán mà nó hoảng. Nếu không bán được bao bánh này thì mất hết vốn, nhà nó sẽ chết đói. Thế là nó liều. Nó quyết định nghỉ học. Nó nói với cha nó là nó khoác bao bánh ra tàu thủy, ngược Hà Nội bán bánh. Nói rồi nó lấy miếng ni lông cũ khoác lên người, lao vào trong mưa hun hút dưới con mắt ái ngại và lời dặn nho nhỏ của cha nó: Đi tàu xe cẩn thận con nhé. Đó là ngày đầu tiên nó ý thức, chủ động bỏ học để lao vào cuộc sống kiếm miếng cơm cho cả nhà bằng trách nhiệm của sự lo toan.
Lên tàu thủy, nó không có tiền mua vé. Người soát vé kiểm tra nó, nó bảo nó không có tiền mua, chỉ có bánh. Người kiểm soát mua vé cho nó bằng ba cái bánh. Nó cũng gật và thấy hay hay. Nó không biết rao bán, chào mời, nó cứ khoác trên vai bao tải bánh và tòng teng ở tay một túm dăm cái. Len lỏi đi khắp ngõ ngách chiếc tàu thủy lớn như cái nhà ba tầng. Thế mà cũng ối người mua. Nó bán cơ chừng được một phần ba bao bánh thì đến bến đò Mễ Sở. Tàu dừng lại đón khách, và nó nhận ra rằng nó có đối thủ cạnh tranh thị trường. Thằng bé bán bánh bến Mễ Sở này thật chuyên nghiệp. Nó rao mới vang làm sao. Mọi người xúm lại mua của thằng bé kia mà quên phắt những chiếc bánh trên tay của nó. Nó nghiệm ra rằng trong buôn bán, tiếng rao thật giá trị. Nó muốn rao lắm nhưng nó không thể nào há được miệng ra rao được vì nó chưa quen rao. Và nó cứ đi lanh quanh chỉ hỏi cô ơi, chị ơi mua bánh ăn đi. Người ta hỏi bánh Mễ Sở à. Nó cũng ừ đại đi và còn nói dối là mới mang ở bến Mễ Sở lên tàu. Và nó lại hiểu, muốn bán được bánh phải rao to, như con ve sầu, bánh phải có thương hiệu. Muốn vậy nó phải nói dối. Trong đầu nó đã chuẩn bị những tiếng rao và lời nói dối cho ngày mai.
Tàu cặp Bến Phà Đen. Cảm giác của nó nhìn thành phố mới nguy nga và đông đúc làm sao. Nó chưa được lên phố bao giờ. Ngoại trừ có vài lần được cha nó đèo xe đạp lên phố huyện đi thi học sinh giỏi. Nhưng phố huyện cũng lèo tèo chứ không đông đúc và nhiều nhà cao tầng như ở đây. Trời vẫn mưa nặng hạt. Mọi người lên bờ tỏa ra đi mỗi người mỗi ngả trong mưa. Nó chẳng biết đi đâu nhưng cũng lên bờ. Nó vào nhà chờ ngồi trú mưa mà trong lòng lo ngay ngáy cái bao tải bánh có nguy cơ bị ế. Nó rũ nước mưa, ngồi tỉ mẩn gói lại những chiếc bánh đã bị rúm ró. Đôi ba người thấy thế cũng hỏi mua. Nó bán ngay, nó đã thấm mệt nhưng nó mừng lắm. Trời vẫn mưa như trút và nó nhận ra rằng phố đã lên đèn. Nó lấy cái áo mưa cũ, khoác lên người chống rét. Bụng nó đói, nó bóc một chiếc bánh xấu nhất để ăn. Nó nhai một cách uể oải trong sự lo lắng và cô đơn lạc lõng giữa đám người đông đúc và xa lạ nơi phố phường chan hòa ánh điện trong mưa gió. Nó thu lu trên băng ghế chờ ở bến tàu.
Nó nhận thấy có một người phụ nữ khá xinh đẹp bế đứa con nhỏ đang đứng nhìn ra mưa như trông ngóng ai. Đứa nhỏ trên tay thi thoảng lại khóc ré lên. Trong lòng nó thấy thương thương. Nhưng nó không đủ tự tin để hỏi chuyện. Khi đêm xuống hẳn, nó bỗng thấy một anh bộ đội đeo quân hàm đỏ chói. Nó chẳng biết anh cấp bậc, chức vụ gì. Nhưng nó thấy anh đội chiếc mũ cối có gắn ngôi sao, thế là oai lắm rồi. Nó nhìn anh, thầm mơ ước và ngưỡng mộ vô cùng. Nó thích! Anh khoác áo mưa, đi xe đạp thống nhất nữ đến trước mặt hai mẹ con người phụ nữ. Thì ra anh bộ đội này đi đón vợ con. Anh đưa cho chị vợ khoác chiếc áo mưa mang theo. Chị vợ nhìn anh với cái nhìn chứa đầy mãn nguyện. Đứa bé bị lạnh, lại khóc ré lên. Anh cởi chiếc áo bộ đội anh đang mặc ra ủ cho đứa bé. Anh chỉ còn mặc chiếc áo may ô màu trắng. Khoác chiếc áo mưa và cả nhà anh lên xe đạp, trôi vào trong mưa loang loáng ánh đèn đêm. Nó dõi mắt nhìn theo hạnh phúc của gia đình anh bộ đội. Nó thầm mơ ước. Ngày sau lớn lên nó sẽ đi bộ đội, nó sẽ lấy một cô giáo viên, rồi đẻ con. Nếu gặp trời mưa, nó sẽ cởi áo, ủ cho con nó ấm, nó khoác áo mưa cho vợ nó. Và một điều nữa, rất khoát nó sẽ không mặc đồ lót màu gì ngoài màu trắng.

Nó mơ nó sẽ học giỏi. Nó mơ một sự no đủ, một ngôi nhà chan hòa ánh điện, ấm áp trong đêm mưa và rúc rích tiếng cười của trẻ thơ chứ không phải cái giá lạnh trong bão giông, mưa gió của lần đầu tiên bươn chải mưu sinh vì miếng cơm manh áo như ngày hôm nay của nó. Nó thiu thiu ngủ gục trên băng ghế chờ với nụ cười thánh thiện trên môi trong khi tay nó vẫn ôm bao tải bánh chưa bán hết. Và nó vẫn mơ. Ngoài kia trời vẫn mưa tầm tã trong gió bão.

Lính già, ngày 17.7.2009
Bài này đã đăng (nhấn vào đây)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét