Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

BÀI HỌC TỪ NGƯỜI ĂN XIN

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.
- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.
Ăn mày rất thích kể lể.
- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…
- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.
- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.
Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:
- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?
Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.
Ông ta giảng giải:
- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.
Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.
- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…
- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.
Ông ta lấy giọng nói tiếp:
- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.
- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.
- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Hai đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!
- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?
- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.
- Hả? Nhiều vậy sao?
Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:
- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.
Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.
Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.
- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.
- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?
Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.
- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.
Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.
Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.
- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!
Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.
- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?
Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.
Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.
Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!
- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.
Quá chuẩn!
- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.
- Ối ông cũng có vợ con?
- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.
Tôi buột miệng:
- Ông ơi, ông có thu nhận tôi làm đệ tử không?

MẮT

Đôi mắt em long lanh hạt huyền.
Anh gởi trọn lời nguyền vào đôi mắt ấy.
Theo tháng năm hạt huyền vẫn vậy.
Anh bơi miệt mài trong đôi mắt em.

Tháng năm mỏi mòn, đuôi mắt dài thêm.
Anh lẩn khuất lần tìm theo thời gian tần tảo.
Hai chúng mình dìu nhau qua bao mùa giông bão, 
Đôi hạt huyền vẫn đen láy tin yêu. 


Vết chân chim hằn sâu thêm biết bao nhiêu
Bởi vất vả mưu sinh, bởi đói lo, nghèo túng
Bởi những đêm trường khi cơn sốt con thơ đỏ nựng.
Mắt hạt huyền vẫn đắm đuối phía nơi anh.

Long lanh đợi chờ trong đáy mắt tuổi xanh.
Ngày lặng lẽ nhuốm xuân thì vội vã.
Đã có lúc lối rẽ về trăm ngả.
Đôi hạt huyền lấp lánh phía anh theo.

Ừ! Cuộc đời như vách đá cheo leo.
Ngỡ cổ tích mới cho ta qua được.
Hạt huyền ấy nâng chân anh vững bước.
Cổ tích một ngày trôi ngược phía sau em.

Lính già - Nguyễn Bảng 28.11.2010

ĐỢI

ĐỢI !!!


Anh đợi em!
Từ thủa trăng tròn, 
đi qua bao mùa trăng khuyết.
Ứa máu đôi tay, níu thời gian, 
mỏi mòn, 
nào em hay biết.
Những vết chân chim cỗi cằn,
lặng lẽ đồng hành, se sắt,
tiễn biệt tuổi xuân anh.

Lính già - Nguyễn Bảng 26.11.2010

VĂN HOÁ BLOG

Blog cá nhân là loại nhật ký mở, trực tuyến được phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây ở trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ở Việt Nam, lúc đầu thú chơi này đa số là giới trẻ dùng blog để lưu lại những suy nghĩ thầm kín của mình không tiện nói ra với bạn bè, chia sẻ những thông tin có tính nhạy cảm cũng như công việc. Dần dần khi internet phát triển và máy tính cá nhân không còn là thứ xa sỉ nữa, các nhà khai thác dịch vụ đua nhau Việt hoá để cung cấp phần mềm dịch vụ đến tận tay người sử dụng thì hầu hết các công chức hay bất kể ai biết sử dụng máy tính và tìm kiếm thông tin trên internet đều dễ dàng lập cho mình trang blog với sở thích riêng. Từ đó họ thực sự hiểu giá trị đích thực của blog mang lại cho con người. 
Khi ta có ý thức và trân trọng thú chơi của mình thì Blog cá nhân trở nên có rất nhiều mặt tích cực, là nơi để tất cả mọi người chia sẻ, giải tỏa phiền muộn, thư giãn, giao lưu vui đùa, ngân nga thơ phú cùng bạn bè sau những giờ làm việc vất vả. Blog xóa bỏ mọi ranh giới, tuổi tác, đẳng cấp, giàu nghèo. Kéo tình cảm con người đến gần với nhau hơn, làm cho đời sống lung linh và mở rộng tầm hiểu biết cho mỗi người thêm phong phú. Qua từng trang blog cá nhân ảo, nhiều bloger bước ra ngoài đời, gặp nhau thì thực sự là những người bạn tốt vì họ tường tận đến chân tơ kẽ tóc của nhau về mặt tình cảm vì vậy họ trở nên cực kỳ thân thiết. 
Tuy nhiên trong sân chơi blog cá nhân ảo kia không phải blogger nào cũng ý thức được việc sử dụng blog là một thú chơi nghiêm túc, hiệu quả và văn minh, để từ đó từng bloger ứng xử một cách thân thiện và có văn hóa với từng trang blog cá nhân.
Thời gian gần đây ta có thể phân loại và liệt kê ra một vài loại blog như thế này!
1. Blog phản động: 
Nội dung những bài viết trong các trang blog này sặc mùi phản động, đi ngược lại chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Lời lẽ thì mang tính hằn học, kêu gọi, lôi kéo, nói xấu chế độ nhà nước, chửi đổng chính quyền. Mượn gió bẻ măng, từ chuyện bé xé ra to, xuyên tạc một cách vô liêm sỉ những sự việc không có thật. Họ cố tình thoá mạ, bôi nhọ, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, kêu gọi lật đổ chế độ. Hòng tung hoả mù, làm nhiễu thông tin, chia rẽ bè phái nội bộ chính quyền, nhân dân. Họ ba hoa, tự vỗ ngực, xưng tên họ là những nhân tài mà không được trọng dụng, vì thế họ tuôn ra hàng đống ngôn từ tiêu cực, hằn học qua các bài viết... Các thành phần này thường mò vào comment ở các blog của những người trí thức, người lớn tuổi, blog có đông bạn bè... xuyên tạc, gạ gẫm, bình luận theo tư tưởng bài viết của chính họ, hòng lôi kéo, mua chuộc và mượn uy tín của các blogger chân chính để mở rộng ảnh hưởng. 
Họ đâu hiểu rằng, chính họ đang giãy chết trên đống ngôn từ tiêu cực trong blog phản động của họ thì chẳng blogger nào thèm tung hô và cổ suý cho ý đồ đen tối ấy. 
Họ ngu ngơ đến mức độ trước khi đăng ký mở blog, nhà cung cấp dich vụ đã khuyến cáo không được dùng blog để tuyên truyền, hoạt động chính trị phá hoại Đảng, phá hoại Nhà nước. Và họ đã đồng ý thoả thuận ấy!
Họ thiển cận đến mức độ không biết đến cái gương sở thì như luật sư Lê Quang Định kia, dù có giỏi giang, ngoan cố và ranh ma đến thế nào thì trước sau cũng phải cúi đầu nhận tội trước vành móng ngựa. 
Một blogger trong sáng thì không bao giờ làm bạn và comment cổ suý cho những blog phản động đen tối như thế. Những blog này chỉ gây lòng căm phẫn trong cộng đồng blogger chân chính.


(Hậu quả của một blogger là học sinh chuyên soi mói, bịa đặt, xúc phạm danh dự các blogger, bôi xấu, chửi bới chế độ, xa đoạ, vi phạm bản quyền... vi phạm điều lệ Yahoo360Plus)

2. Các tin nhắn kiếm cơm, tự động comment, lười biếng.
Đành rằng ai cũng chọn cho mình một việc làm để mưu sinh. Thế nhưng cần phải xác định rõ mục tiêu và mục đích làm việc nghiêm túc để mang lại hiệu quả cao trong công việc. Một số blogger sử dụng blog của bạn bè để quảng cáo hàng hoá be bét, rất mất thẩm mỹ. Quảng cáo liên tục. Đôi khi lại tỏ ra giả bộ "lịch sự" xin lỗi vì làm phiền.
Cách tiếp thị như thế chỉ gây bực mình và phiền hà trong giới blogger chứ không bao giờ kiếm được một chút thiện cảm. Chính vì vậy chẳng khi nào có hiệu quả tiếp thị kiểu như vậy.
Một số blogger thì câu comment bằng cách lười biếng, sử dụng phần mềm Auto comment để gửi thông điệp đại loại như “ Chào bạn! Blog của bạn đẹp lắm í. Bài viết của bạn hay phết! Ghé thăm blog của mình nha”. Thực ra họ có đọc blog của mọi người đâu mà họ biết đẹp và biết hay. Hoặc thứ sáu thì viết“Cuối tuần vui nhé”, thứ hai thì viết “Tuần mới vui nha” thế là họ chỉ ngồi nhà ba hoa và rải comment đó đến hàng ngàn trang blog chỉ bằng một cú click chuột! Đơn giản và vô cảm vô cùng.
Thiết nghĩ, blog là để chia sẻ tâm tư tình cảm qua trang viết. Phải thăm, phải đọc thì mới hiểu nhau, mới thành bạn bè thân thiết, lâu bền chứ kiều lười biếng, ngồi đó mà câu comment như thế thì chỉ được một lần, lần sau thì ai người ta cũng ghét, Người ta tống luôn vào sổ đen chứ ai đi thăm các blogger kiểu khiếm nhã và ích kỷ ấy!!!

3. Blog phản cảm hay blog bẩn.
Thỉnh thoảng tôi hay vào Bài mới nhất của Yahoo. Vô tình lang thang vào blog của một vài teen mới đăng bài thì thấy toàn những chuyện tục tĩu, dâm đãng không thể tưởng tượng được, kèm theo những hình vẽ, hình chụp minh họa hết sức kích dục và phản cảm. Thế mà các comment bạn bè lại tung hô là máu, là cá tính, là câng, thế mới kinh. 
Một số blogger kêu gọi lập ra những nhóm, hội, bang với những tên gọi sặc mùi chết chóc của phim chưởng... Rồi cũng đề ra cương lĩnh, tiêu chí, hành động, nội dung trao đổi. Nhưng than ôi "cương lĩnh, tiêu chí, hành động" của các nhóm blog này đều trao đổi vấn đề như: yêu vào "vùng kín" thì phải làm như thế nào, cảm giác ra làm sao? Kỹ thuật, bí quyết làm tình. Hay rủ nhau sưu tầm "đồ lót" của phụ nữ? Rồi nghiên cứu về rận mu... Có blog lại còn sưu tầm cả các tranh ảnh khoả thân, ảnh nóng... Thực ra nếu nhác qua không để ý thì cứ nghĩ đây là các trang blog giáo dục giới tính cho các teen. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì những trang blog này là những trang blog kích dục, đi ngược hẳn với thuần phong mỹ tục và văn hoá ứng xử của người Việt Nam ta. Ấy thế mà cũng khối comment vào hùa, cổ suý cho các tiêu chí như thế!!!

4. Blog đẳng cấp.
Blog đẳng cấp là blog được duy trì bởi blogger có văn hoá, có trình độ và có tư duy rõ rệt, say mê với thú chơi blog. Họ coi blog là sân chơi trong sáng để gửi gắm tâm tư tình cảm của họ đến bạn hữu qua những trang viết mà họ phải đầu tư ý tưởng, thời gian, trình độ và trí tuệ rộng rãi để viết lên một trang blog trao đổi với bạn bè. Ngôn ngữ của họ có thể là rất dân dã, có thể là rất sang trọng, có thể là sử dụng đặc sệt thổ ngữ địa phương. Nhưng những vấn đề họ nêu ra trong blog sẽ được nhiều người đồng tình ủng hộ, trao đổi, tranh luận và khi nào cũng đi đến cái đích là chân lý đúng đắn. Nỗi buồn thì sớt chia, niềm vui thì nhân đôi. 
Mỗi bài viết trong các blog này đều đưa ra cho cộng đồng blogger một thông điệp có ích nào đó để mọi người khi quan tâm đến blog đó không bao giờ cảm thấy bị coi thường, xúc phạm hay ân hận vì phải phí thời gian. Loại blog này thường đa phong cách, ngôn từ mộc, chau chuốt và có tính tôn trọng bạn đọc rất cao. Bạn bè của các blog này cũng được cân nhắc kỹ lưỡng. Cách giao lưu của các blogger này qua comment cũng rất thật lòng, nhã nhặn, lịch sự, thẳng thắn, chân thành không xô bồ, thô kệch, hằn học cãi vã hay khiếm nhã.

Lời cuối!
Sự thống kê có thể còn rất dài! Nhưng thôi, tạm thế đã. 
Chúng ta, những bloger có văn hoá, có tư duy, có ý thức. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thấu đáo vấn đề để phấn đấu trở thành một blogger chân chính, xây dựng cho mình một trang blog đẳng cấp. Bởi blog cá nhân có thể là ảo thật. Nhưng ẩn đằng sau những trang viết trên blog chính là trí tuệ, tư tưởng, tính cách và con người của bạn đấy. Chính vì vậy rất cần văn hoá trong giao tiếp blog!!! Hãy là những con người thật sự chân thành, biết tôn trọng blog của bạn bè là tôn trọng chính mình. Hãy tỉnh táo, phân tích, loại trừ vì một thế giới blog trong sáng!!!

Nguyễn Bảng 27.01.2010

ĐỒNG ĐỘI


ĐỒNG ĐỘI
Tôi muốn hiểu, ngày 22.12 hằng năm không chỉ là ngày sinh nhật Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn là "Ngày của người lính". Trong mọi cuộc chiến tranh, người lính bao giờ cũng là người chịu khổ nhiều nhất, chịu hy sinh nhiều nhất, và sau chiến thắng, sự tưởng niệm những người lính đã ngã xuống bao giờ cũng biểu hiện bằng những "Tượng đài người chiến sĩ vô danh". 
Thực ra, mỗi người lính đều có tên, có tuổi, có cha mẹ, có quê hương. Nhưng trên hết và cao nhất, mỗi người lính có Tổ quốc. Mà Tổ quốc thì không bao giờ là vô danh. Khi người lính hy sinh cả cuộc đời mình, thậm chí cả tuổi tên mình cho Tổ quốc, là trong sâu thẳm họ đã hòa tên tuổi họ vào tên Tổ quốc. Trên đất nước đã chịu quá nhiều cuộc chiến tranh này, nếu không có danh xưng Tổ quốc, thì người lính biết tựa vào đâu để chiến đấu và chiến thắng?
Tổ quốc, không chỉ là dải đất liền hình chữ S. Tổ quốc còn trải rộng trên biển của ta, trên những hòn đảo xa trên biển của ta. Hôm rồi, có dịp ra Dung Quất, tôi đã ngồi rất lâu bên bờ biển. Hôm ấy biển động, tầm mắt tôi bị hạn chế. Ngay tới đảo Lý Sơn chỉ cách đất liền 18 hải lý hôm ấy cũng khó nhìn rõ. Huống chi là Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng nơi mà tầm mắt ta không nhìn tới được, thì tình yêu ta nhìn thấu đến. Có thể chính trong giờ phút tình cờ ấy, những người lính của chúng ta trên đảo Trường Sa cũng đang đăm đắm nhìn về đất liền. Họ cũng chỉ có thể nhìn bằng đôi mắt của tình yêu mới thấy được quê nhà. Ở nơi có những đứa con đang ngày đêm chịu nhiều khổ cực nhất, nhiều nguy hiểm nhất để cảm nhận được phần đất chìm nổi dưới chân mình chính là Tổ quốc, thì ở nơi đó, họ chỉ có thể sống được, vượt lên được bằng chính tình yêu của mình.



Với quê nhà. Với mẹ cha. Với Tổ quốc. Một tình yêu dâng hiến, thầm lặng, thậm chí vô thanh trước cái ầm ào của sóng biển. Ngày 22.12, tôi nghĩ, mỗi người chúng ta đang yên ấm trong ngôi nhà của mình, quê hương của mình, yên ấm trong thanh bình, nên dành một khoảng thời gian nghĩ về nhớ về những người lính đang trấn giữ ở những nơi địa đầu hiểm yếu, những hòn đảo tiền tiêu, những nơi đất lành thật ít dưới chân và bốn xung quanh đầy hung hiểm với họ. Nếu không có một tình yêu thật lớn, thật sâu sắc, thật vô tư, người ta không thể sống, thậm chí không thể tồn tại ở những nơi đó. Người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngay từ cái tên của mình đã hàm nghĩa họ "Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu". Mà nhân dân là thuộc về Tổ quốc, thuộc về nơi hàng nghìn đời nhân dân đã "đổ mồ hôi sôi giọt máu" để chúng ta có trọn vẹn một bờ cõi giang sơn như ngày nay. 
Từ những cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ tới những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975, hình ảnh người lính Việt Nam bao giờ cũng cao đẹp một cách vô cùng bình dị. Khi người ta yêu, lọ cần phải nói nhiều. Và trong hình ảnh người lính hôm nay của chúng ta, tôi như nhìn thấu suốt chập chùng hình ảnh những người lính Việt mang gươm đi giữ nước từ bao đời nay. Họ ra đi với một tình yêu. Và nếu may mắn có ngày về, họ trở về với một tình yêu. Còn khi phải ngã xuống, họ ngã xuống với một tình yêu. Tình yêu biến thành máu xương dâng cho Tổ quốc.


Việt Báo (Theo_Thanh_Nien) 
Nguyễn Bảng 21.12.2010

BÁNH DẦY

NHỚ QUÁ BÁNH DẦY QUÁN GÁNH CỦA ANH TĂNG HOÀNH LÃO


Thủa bé chả biết bánh dầy.
Giờ vào bờ lốc có ngay thôi mà.
Bác Tăng bê bánh dầy ra. 
Làm cho cả nhà bờ lốc rối tinh.
Anh Cựu thì bất thình lình.
Ở đâu nhảy đến làm thinh thó phần. 
Lính em cũng chẳng ngại ngần.
Gọi luôn Bác Lão cho cân bánh dầy.
Bác Lão vội nói có ngay.
Dặn về ve vuốt mươi ngày hãy ăn
Anh Tờ Lờ thấy lăn tăn. 
Cũng vù Quán Gánh để săn bánh dầy.
Được loại bánh vốc đầy tay.
Vừa to vừa dẻo, thật hay, nhất mình!
Em Lan nhìn thấy rối tinh.
Chìa tay ỏn ẻn, cười xinh! Miếng nào. 
Mùa Đông rạo rực lao xao 
Biết là chân chậm bèn chao nghiêng người.
Vừa làm điệu, vừa nhoẻn cười
Anh Tăng định tặng cho mười cặp luôn.
Hỏi đã có bánh hồi môn,
Chả ăn, mà cứ luôn mồm đi xin! 
Đừng có dấu, chả ai tin
Một cặp bánh, có mấy nghìn đấy thôi.
Thơ đến đây đã dài rồi
Yahoo nó cấm, đứt đuôi thì phiền ....


Lính già - Nguyễn Bảng 07.12.2010

THIU

Đây! Bốn triệu của tháng này đây! Cầm lấy rồi cố mà đi học mang cái bằng về đây cho tao nhờ!
Ông vứt tập tiền trước mặt thằng con trai ông rồi lẳng lặng ra xe, cái dáng đi bệ vệ của một ông Tổng giám đốc gần như ngày càng chậm chạp hơn. Chiếc xe bóng lộn lăn bánh ra khỏ cổng ngôi biệt thự uy nghi. Điệp khúc của ông mỗi khi đóng tiền để quý tử của ông học hết lớp 12.
Nó không vui và cũng chẳng buồn, cầm tập tiền quăng vào túi sách lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Nó ngáp uể oải như kẻ mất hồn. Cơn nghiện kéo nó về nơi nào xa lắm. Nó vội vàng rút tép thuốc ra bật hộp quyẹt và rít lấy rít để. Nó thở dốc rồi lao vào nhà tắm soi vào kiếng. Nó nhìn mà không nhận ra nó. Nó lại cắp sách đến trường.
--------- 
Tối! Cũng như bao buổi tối khác, nó nhai cơm một mình uể oải như nhai rơm. Ba mẹ nó còn mải lo toan những thú vui riêng của mỗi người, còn em nó. đứa em gái dễ thương thì còn đi học thếm. Nó quăng bát. Bà ô sin te tái chạy đến dọn dẹp. Nó nặng nhọc lên phòng đóng cửa. Cả ngôi biệt thự lập loè ánh điện xanh đỏ mà không có tiếng nói cười, buồn như có ma ám.
Gần 9 giờ khuya mẹ nó mới đi làm về với mái tóc có vẻ rối hơn, kem phấn trên mặt có phần nhoè nhoẹt, vương lên cả áo. Cũng chẳng thèm ngó ngàng cơm nước vì mẹ nó đã đi ăn ở khách sạn sang trọng nào cùng với người đàn ông mà mẹ nó mới quen hồi tháng trước. Mẹ nó có vẻ vui và gương mặt dãn ra mã nguyện, mẹ nó ư ử hát rồi đi và toilet. 
Ba nó về khuya hơn. Chuyện đó là thường tình vì như ba nó nói lí do là họp hành và khách khứa liên miên.
Em nó về với cặp sách nặng, mệt mỏi vì mang chữ từ các nhà thày cô trên lưng. Nhai vội vài hạt cơm rồi cũng lên phòng. Bà
Ô sin dọn dẹp xong ngồi sát vào chiếc ti vi được bật với âm thanh bé tẹo nhưng có màn hình to tướng ở phòng khách.
Khuya lắm, nó nghe tiếng cự cãi. Hình như là ở phòng của ba mẹ nó. Nó lẳng lặng ngồi ngoài cửa phòng nghe ngóng....
Bà câm mồm. Tháng nào tôi cũng đưa đủ tiền cho nó, chỉ cần nó mang về cái bằng lớp 12. Tôi đã chừa cho nó cái chân giám đốc kinh doanh. Lúc đó nó muốn hút hít thế nào cũng được. Còn bà, tớn lên vừa thôi, coi mà quan hệ tốt với thày cô nó xem điểm trác thế nào. 
Mẹ nó tỏ ra cũng không vừa. 





VỀ NƠI CŨ

Hôm thứ bảy vừa rồi, dọn dẹp nhà cửa. Tìm lại được một cuốn nhật ký xưa trong nhiều cuốn nhật ký. 
Nâng niu cầm nó trên tay, đọc và bùi ngùi thương nhớ một thời trai trẻ. Hạnh phúc và tự hào vì cuộc đời mình đã trải qua những ngày tháng gian lao, hiểm nguy, vất vả mà đẹp lung linh như thế trên miền đất cao nguyên Pleiku nắng đỏ và vùng Đăkto bão lửa của chiến tranh. Bao kỷ niệm của những năm tháng cũ lại ùa về như đâu đó mới ngày hôm qua thôi đấy. Ừ vậy mà đã mấy chục năm xa vời vợi. 
Ôi những miền đất tuổi trẻ tôi đã đi qua và thơ ngây một thời đáng yêu đến thế. Ngày ấy trong những trang thơ chép tay viết vội. 
Giờ nhìn lại hạnh phúc đến nao lòng.
Thương quá kỷ niệm ơi!




ƯỚC MƠ!

Chiều tàn nắng trong vườn êm bóng mát
Như tuổi thơ tàn úa tuổi thơ vàng.
Chuyện ngày xưa, mơ ước cũ phai tàn.
Giờ còn lại những ngày dài tẻ nhạt.

Xin đi lại nẻo đường hương thơm ngát.
Xin bình yên giấc mộng tuổi xuân hồng.
Xin những ngày êm ả nắng ven sông
Xin những tuổi chạy đùa trên sân mát.

Xin giá lạnh từng đêm vang tiếng hát.
Xin đợi chờ những buổi đón trăng lên
xin tàn phai hoa úa rụng bên thềm.
Xin nước mắt dịu hiền như thơ ấu.

Xin ánh mắt của người thương ẩn dấu.
Xin hiền hoà bờ môi đẹp say mê.
Xin thẹn thùng ở lớp lúc đi về.
Xin hò hẹn sáng tơ hoa bưởi rụng.

Đây mùa xuân, đây muôn vàn ước mộng.
Đêm mùa đông hoa bưởi rụng lâu rồi.
Đêm đầy sao một tinh tú rời ngôi
Xin mơ ước gặp em ngày bé nhỏ.

Đăkto ngày 23.10.1987
Lính già Nguyễn Bảng 09.11.2010

NỖI NHỚ ĐÔNG SANG

(Tặng những bạn bè thân yêu của tôi khi gió mùa đông đến)

Ừ! Năm nay Mùa Đông đến sớm. 
Mới cuối tiết Thu mà những ngọn gió đông se sắt hanh hao đã đong đẩy tràn về. Tôi ước rằng thời gian kéo lê thê, để được cùng em sớm nay co mình cuộn sâu trong làn chăn ấm. Vén cửa sổ, lim dim mắt, biếng lười liếc nhìn những chiếc lá xao xác vàng đủng đỉnh chao nghiêng. Cái se lạnh như đôi tay mơn man, vuốt nhè nhẹ trên má người tôi yêu để ửng hồng tự nhiên mà đâu cần kem phấn. Lắc rắc mưa phùn, rối rít, quấn quýt trong gió đông se, như nghịch đùa, như ngúng nguẩy dỗi hờn và lúng liếng liếc nhìn qua ánh mắt thẹn thùng của cô thôn nữ mơ màng, nồng say khi tình yêu đến sớm. Tiếng chim thôi ngừng hót sớm mai để nhừơng cho những chiếc là vàng phai, bay bay, mềm mại dướn mình trong không trung như bàn tay anh chàng hoạ sỹ tài hoa vẽ lên hình nữ diễn viên ba lê trong vở Hồ Thiên Nga thủa trước. Ta lại ước gì vươn tay ra vớt những giọt nắng vàng phai nhạt cuối thu qua. Bao kỷ niệm hôm nao mà giờ đã quá xa. Để mỗi độ đông về ta ngơ ngẩn, thẫn thờ nôn nao trong lòng nhớ quê, nhớ mẹ. 



(Bên bến sông quê chiều cuối năm khi đông về giá buốt trong mùa Noel năm 2009)

Ừ dẫu biết ta chẳng còn thơ trẻ mà cứ bàng hoàng khi nhắc tiếng quê hương. Đã xa lắm rồi sông nước của tình thương. Con sông Hồng chở nặng phù sa vẫn bên bồi bên lở. Cứ mỗi độ đông về trong mưa phùn lại nhớ. Nhớ dáng mẹ hao gầy hun hút cuối triền đê. 
Cho ta về thơ ấu tuổi thơ quê, mỗi khi gió đông cuộn về lại lấy trái phi lao cho vào ống bơ, xách đi chăn trâu để sưởi cùng đám bạn. Cho ta được hít hà mùi ngô mẹ rang thơm lừng, ăn lót lòng buổi sáng. Nhớ quá đói nghèo, những bữa cơm đông về khi giáp mùa độn cả sắn lẫn khoai. 
Ta muốn về trong gió đông sớm mai, để bàn tay ta lại ngại dầm nước bên cầu ao có đàn cá mương con con và bậc đá xanh mà giờ đây chẳng bao giờ còn nữa. 
Ôi ta nhớ cồn cào những nét chữ đầu tiên ta lấy phấn viết lên bậc cửa. Nước mắt nhoè vì cha đánh roi mây. Ta nhớ ổ rơm mẹ làm cho ta giấc nồng say. Nhớ cả chú mèo mun cứ rúc gù chui vào ngủ cùng ta trong đêm đông giá buốt. 
Nhớ dáng cha khật khà sau mỗi lần rít thuốc. Khói thuốc lào cuồn cuộn giữa đêm đông. Nghe văng vẳng đâu đây tiếng đùng đục đàn ông, đó là tiếng của cha ngày nào, vừa nghiêm nghị vừa dạt dào khúc triết. Ta nhớ quá cảm giác gai gai khi cà má vào râu cha trong mỗi lần thức giấc. Quờ tay tìm cằm râu rậm của cha. 
Thoang thoảng đâu đây mùi bánh tẻ bay xa. Bánh mẹ nấu trong tảo tần, nháo nhác cho phiên chợ sớm mai đổi lấy tiền đong gạo. 
Ôi con đường xưa tới trường ngập trong bùn mưa nhão. Trang sách chói điểm 10 ứa màu máu ưu tư. Chiến tranh khắp miền khắc khoải những trang thư, viết cho chị, cho anh, nét chữ trẻ run run gửi bao điều ngây thơ nhưng vẫn thơm mùi gốc rạ. Trong gió heo may vẫn mơn mởn ngát xanh vồng khoai, luống mạ. Có vụ gieo trồng trong buốt giá cánh tay ai. 
Có nỗi nhọc nhằn trong mỗi sớm mai, mẹ tất tả gánh gồng ruộng bèo dâu buổi sớm. Có áo rách vá vai mỗi lần ta hớt hải đến trường vẫn muộn. Khẳng khiu bàn chân gầy, cước đỏ tím trong mưa. 
Ôi đông về, đông của những ngày xưa. Nơi mẹ cha ta tảo tần trong đói nghèo mà thanh tao quá đỗi. 
Về đi, về đi thôi còn chần chờ gì nữa. Phút nồng say trong gió bấc đầu mùa. Đắm mắt nhìn những ký ức xa xưa. Túm đói nghèo cất vào trong quá khứ. Nuôi gian khó cày trên từng con chữ, vượt thời gian ta dốc túi tìm về. 
Ừ đông về thật rồi cho ta nhớ triền đê. Vạt cải nhà ai bên triền sông rực vàng trong chiều đông, hắt nắng mướt vàng như kén nhả tơ sau nong tằm ăn rỗi. 
Ơi Mùa Đông ta yêu thương quá đỗi. Một chút thôi nỗi nhớ đã đong đầy. Viết đôi dòng khi đông đến sớm nay, sao ta nhớ quắt quay quãng thời gian nghiệt ngã. 
Ơi Mùa Đông! Gió theo về trăm ngả. Phương Nam giờ cũng tím chín đông sang.

Lính già - Nguyễn Bảng 01.11.2010

THÀY HÃY DẠY CON TÔI


Thư của cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai theo học




THẦY HÃY DẠY CON TÔI!


Thưa thầy, 
Tôi gửi thầy con trai của tôi
Để thầy dạy cho cháu những điều bổ ích: 
Dạy cho cháu biết tôn thờ sự thật, 
Biết khinh thường những dối trá, hư danh, 
Biết chấp nhận nỗi đau khi bài thi không thành, 
Xong, 
Không thỏa mãn với những gì mình đạt được, 
Kết quả phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt. 
Chỉ một xu do mình kiếm được 
cũng quý hơn hàng ngàn vạn của người. 
Thầy hãy dạy cho con tôi luôn biết mỉm cười 
Trước những khổ đau tưởng như cùng cực nhất, 
Nếu vượt qua, ta sẽ vô cùng hạnh phúc.
Thầy hãy dạy con tôi: 
Biết lắng nghe cả những điều tưởng chừng chua xót nhất, 
Song phải giữ lòng trước những lời đường mật, 
Biết khiêm nhường với những bạn hiền lành, 
Xong phải cứng rắn với kẻ thấp hèn, thô bạo. 
Thầy dạy cho cháu có thể bán sức lực và tri thức, 
Song không bao giờ được bán lương tâm, 
Mỗi con người chỉ có một trái tim, 
Sống nhân ái sẽ được nhiều hơn mất.
Thầy hãy dạy con tôi 
phải có được niềm tin cao nhất vào bản thân mình và đồng loại xung quanh, 
Dạy cho cháu biết: 
Không thể có công bằng ở tất cả mọi nơi trên trái đất 
Và không phải tất cả mọi con người đều chân thật. 
Nhưng hãy tin rằng:
Những kẻ vô loài bao giờ cũng ít hơn những người chính trực 
Và thế giới này nhất định tốt đẹp hơn! 

--------------------

Và một bản dịch khác bằng văn xuôi của Duy Hữu:

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một người chính trực, cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm. 

Bài học này sẽ mất nhiều thời gian tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng mỗi một đồng đô la kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đô la nhặt được trên hè phố.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất lại là những kẻ dễ đánh bại nhất.

Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới kỳ diệu của sách, nhưng cũng hãy cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh.

Ở trường xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi trượt còn vinh dự hơn gian lận trong khi thi. Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử dịu dàng đối với những người hoà nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo. Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.

Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng cần phải sàng lọc những gì nghe được qua một tấm lưới chân lý để cháu chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.

Xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.

Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.

Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh tai làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.

Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại. 

Đây quả là một yêu cầu quá lớn, thưa thầy, nhưng xin thầy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai tôi.

Theo Tạp chí Văn hoá Doanh Nhân

Lính già - Nguyễn Bảng 26.10.2010

THƯƠNG NHỚ TUỔI LÊN 10

Bận! 
Bận kinh người!
Dạo này sao mà lắm việc. Từ bữa đi Hà Nội vào công việc cứ chất chồng lên nhau. Đôi khi người cứ như thằng đần, chả biết việc gì làm trước, việc gì làm sau. Rối như canh hẹ. Mệt tơi tả mà vẫn phải cười toe toét. 
Chả nhẽ lại mếu. 
Ừ! Kể ra mà mếu được thì có khi cũng mếu tí cho nhẹ lòng. 
Ẩm ương thật!
Linh tinh chả đâu vào đâu. 
Lươn khươn nằm ườn ra ghế, lơ mơ lại nhớ một thời thơ dại ngơ ngẩn lần đầu đi Hà Nội và cũng là lần đầu định nghĩa về Hà Nội... 
Buồn cười thật! 
Chao ơi!
Ngồi nhớ lại ngày xưa hồi bé tẹo...



Ừ! Có lẽ đâu hồi đó học lớp 4. Nhà nghèo xơ xác, chuyên mặc quần áo vá, mùa đông có khi quần áo rách xả, thủng cả đít cũng vẫn lê đi học. Sao cái thời ấy cơ cực vô cùng mà vẫn ham học thế chả biết. Như bây giờ thì bỏ bố nó đi kiếm cơm cho rồi. 
Và lần đầu tiên tôi được theo U tôi đi Hà Nội. 
Kinh! Cái cảm giác được đi Hà Nội thì khấp khởi cả đêm, chả ngủ nghê gì, chỉ mong sao trời mau sáng để dậy đùm nắm cơm nắm vào tàu lá chuối khô rồi theo U ra bến tàu thuỷ ngược Hà Nội, lên nhà cô tôi chơi. 
Chao ơi là sướng! 
Cảm giác lần đầu tiên được về thủ đô thì chỉ nghĩ thôi đã thấy sướng tới tận củ tỉ.
Còn đây là chuyến đi thật chứ bỡn à. Thế nên tôi sướng lắm. Không ngủ được là đúng rồi.
Mỗi tội phải đi chân đất vì làm gì có dép mà đi. Tất nhiên hôm ấy tôi không phải mặc quần vá. 
Tàu thuỷ ngược sông Hồng chạy như rùa, từ 11 giờ trưa mà đến 7 giờ tối mới tới bến Phà Đen ở Hà Nội. 
Trong con mắt trẻ thơ, bỡ ngỡ của tôi thì Hà Nội thật lung linh, ánh điện ngập tràn, từ bé tôi chưa bao giờ được ngắm thành phố to lớn và nhiều ánh điện như thế. Những ngôi nhà lắp ghép cao tầng cứ nối đuôi nhau, đường phố thì toàn xe đạp, chen chúc và giàu có. Thời đó nhà nào mà có cái xe đạp Tàu Phượng hoàng hay xe đạp Thống nhất thì giá trị còn hơn cái ô tô bây giờ chứ bỡn à. 
Ôi! Một Hà Nội giàu có trong con mắt 10 tuổi của tôi. 
Tôi hỏi mọi chuyện, đến mức mấy bà đi chợ cùng U tôi phải nhắc: Đừng hỏi nhiều thế, người ta nghe thấy họ sẽ bảo mình là dân nhà quê đấy. 
Thế là tôi tịt ngay. 
Cứ nghĩ đến hai từ "nhà quê" là tôi hãi, chả hiểu sao lại hãi vì nghe như nó miệt thị điều gì, như lông như lỗ và như hèn kém và u mê lắm lắm. 
Cho mãi đến nhiều năm sau này tôi mới ý thức để cố tình cắt nghĩa và để ý triệt để xem người phố cư xử với người nhà quê ra sao. 
Mà lạ! Chỉ có người ở phố mới có từ nhà quê thôi. Ngộ ghê!
Từ bến Phà Đen về nhà cô tôi ở Chợ Mơ phải đi bộ dễ đến hơn chục cây số. Xa lắm, tôi chỉ biết chạy gằn theo U tôi gánh mì bánh đa và mấy con gà cùng mớ đu đủ chín mang lên làm quà. Còn tôi thì hai chân mỏi rã rời mà chả dám kêu vì sợ kêu thì lần sau còn lâu mới được U tôi cho đi chơi nữa.
Mãi tới khuya mới về được đến nhà cô tôi. Gọi là nhà nhưng thực ra chả rộng rãi thoáng mát bằng nhà tôi ở quê vì đây là nhà tập thể của khu Mai Hương chưa được xây. Mái tranh, vách đất, chật chội và nóng bức. 
Điều ám ảnh tôi nhất là đi vệ sinh ở nhà vệ sinh tập thể. Bẩn kinh người, chuột cống và những cái xẻng chờ sẵn để lấy phân... Điều này có lẽ ai ở Hà Nội những năm đó thì chắc chắn sẽ rất "ấn tượng khó phai" không thể nào quên được...he...he...
Những khu vệ sinh tập thể ấy có lẽ là xuất xứ của những câu thơ đại loại rằng: "Nhân dân Cổ Nhuế xin thề, không đầy hai sọt không về ăn cơm"....
Tuy nhiên tôi vẫn thấy sướng mê tơi vì được cô tôi mua cho hẳn một đôi dép cao su bốn quai mới tinh với giá năm hào. Và cô tôi còn dúi cho tôi bốn hào vừa tiền xu và tiền giấy nữa để mua lặt vặt. Tôi như người nằm mơ gặp được cô tiên trong truyện cổ tích. Tôi còn được cô tôi cho những bộ quần áo cũ của em tôi đã thải ra. Vì con của cô tôi lớn hơn tôi một tuổi. 
Chao ơi là sướng. Tôi xuýt xoa và mặc thử cả cái dài, cái chật. 
Và tôi thấy người phố họ thật vương giả, vừa không phải lao động mà vẫn có gạo tem phiếu và thịt cá chứ chả một nắng hai sương, quần quật cấy cày để làm ra hạt gạo như nông dân chúng tôi suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, quanh năm mặc quần thủng đít, thiếu đói trăm bề. Tôi ao ước được như họ hay được làm con của họ để hưởng cái sung sướng an nhàn thế kia. 
Ôi! Những ý nghĩ thật ghê gớm và không tưởng của tôi thời ấy.
Người phố có lẽ hay quên! 
Lũ em tôi nó thật đoảng, chúng nó cũng hay quên. Gặp tôi mà chúng nó quên phắt những ngày nó về sơ tán ồn ào và quậy phá vỡ trời ở nhà tôi những năm chiến tranh bom đạn ngập trời Hà Nội. Mặc dù thời gian trôi qua chưa lâu, tầm gần một năm chứ mấy. Chả có đứa nào chịu nhớ và chịu chơi với tôi vì lũ bạn của chúng nó bảo tôi là đồ nhà quê. Chúng khinh khi, ghẻ lạnh với tôi chứ không trò chuyện tình cảm, gần gũi và chia sẻ như tôi nghĩ. Tôi tự ái và tủi thân, bỏ cơm không thèm ăn và đòi về. Khi đó tôi mập mờ hiểu ra rằng dân nhà quê chúng tôi thật khác xa người thành phố. Họ thuộc đường hơn tôi, đẳng cấp và danh giá hơn dân đen chúng tôi nhiều, mặc dù khi đó tôi là một học sinh trường làng rất giỏi. Giỏi hơn tất cả lũ em con của cô tôi trên phố này.
Cô tôi hiểu được ý tôi nên bắt em tôi đưa tôi đi bờ hồ chơi bằng tàu điện. Từ Chợ Mơ mà đi Bờ Hồ thì rất tiện. Lần đầu tiên tôi được đi tàu điện với những tiếng leng keng rất vui tai và nhộn nhịp người lên xuống. Có lũ trẻ con Hà Nội chúng đi học về còn đu trên tàu điện và nhảy lên xuống nhoăn nhoắt rất điệu nghệ. Tôi nhìn tụi nó mà thán phục, ngưỡng mộ vô cùng. Chúng tự tin quá đỗi. Còn tôi thì ngồi co ro một chỗ chả dám ho he. Khi hai đứa chúng tôi xuống ga tàu điện Bờ hồ thì một toán người chen lên, chen xuống nháo nhào thật bực mình. Chúng tôi lang thang nhìn ngắm Tháp Rùa. Đây là Tháp rùa thật chứ không phải là trong sách mà tôi đã học đâu nhé. Tôi thấy mình thật tự hào và hãnh diện vô cùng vì sẽ có ối chuyện để về quê khoe với đám bạn lau nhau khi đi học. 




Trời nắng như đổ lửa, chơi chán thì khát. Em tôi bảo vào xếp hàng mua kem. Tôi thấy tiếc tiền nhưng cũng đồng ý. Nhưng khi sờ đến tiền thì ôi thôi! Nó không cánh mà bay. 
Những bốn hào cơ mà. 
Đâu mất rồi. 
Tôi hoảng! 
Tôi sợ! 
Tôi tiếc! 
Và tôi khóc.
Tôi đã bị móc túi mất sạch cả bốn hào khi xuống ga tàu điện Bờ Hồ. 
Tôi khóc như mưa. Tôi muốn chạy về nhà nhưng em tôi dỗ tôi là sẽ mua kem cho tôi ăn. 
Tôi vẫn khóc, vừa khóc vừa ăn kem. Và cứ thế hai anh em vừa đi vừa ăn, lang thang đi bộ từ Bờ Hồ về Chợ Mơ vì mua kem hết tiền đi tàu điện. 
Về nhà em tôi kể lại cho cả nhà nghe, Cô tôi cười và không nói gì, U tôi thì thở dài tiếc bốn hào còn mấy đứa em gái con cô tôi thì bĩu môi nguýt dài buông theo một câu gọn lỏn: "Đúng là đồ nhà quê". 
Tôi nằng nặc đòi về bằng được cho dù mới ở phố được hai ngày. Và thế là ngay sáng sớm ngày hôm sau tôi lại chạy gằn theo U tôi ra bến Phà Đen để xuôi tàu về nơi mà với tôi là yên bình, thơ mộng và chân chất tình người nhất. Để lại đằng sau phố phường thủ đô ngập tràn ánh điện và các dãy nhà cao tầng là những bước chân đất chạy gằn với hằn trong đầu ấn tượng về khu vệ sinh tập thể và những kẻ móc túi trên tàu điện Bờ Hồ. 
Hành trình của tuổi thơ tôi!
Cho đến bây giờ, mỗi khi về Hà Nội, tôi thường ra Bờ Hồ uống cà phê pha loãng và thích được vác máy ảnh, lang thang đi bộ quanh bờ hồ và dọc phố Hàng Đào để nhớ lại những giọt nước mắt thời thơ ấu cũ với vài ngày ở chốn đô thành đưới con mắt và kỷ niệm của một kẻ nhà quê khi tôi mười tuổi. 
Chả hiểu sao tự nhiên hôm nay không ngủ được. Tôi ngả người suy nghĩ lung tung. Nhớ như in câu chuyện cũ, viết ra đây để nhớ kỷ niệm một thời thơ dại. 
Sorry! (Xài tẹo tiếng tây cho nó sang miệng). He..he... 
Sorry các bạn là người Tràng An chính hiệu nếu thật sự tôi có gì lỗ mãng trong trang viết này. Hãy bỏ quá cho tôi nhá! Dù sao tôi cũng là người nhà quê gốc chứ không phải nhà quê nửa mùa như các em con của cô tôi! 

Lính già - Nguyễn Bảng 23.10.2010

THƯ VIẾT CHO ĐỒNG ĐỘI

Nguyễn Bảng!
Hòm thư: .....................


Vĩnh Long, ngày 21.9.2010

Anh Trần Anh Kim kính mến!

Thật đúng, trong vòng quay tất bật của cuộc sống mưu sinh con người ta cứ ngỡ quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống. Kể cả đến những trang thư viết bằng tay hôm nay cũng thấy lạ lùng và bỡ ngỡ. Đúng là giữa thời buổi bùng nổ thông tin, con người ta đã quên cái mộc mạc một thời anh ạ.
Vậy mà em lại là người may mắn nhận được thư anh! Đọc những dòng anh viết mà em thật sự xúc động, bồi hồi, trong lòng cứ vui và thấy rưng rưng. Bởi cũng lâu lắm rồi chỉ quen nghe điện thoại mà quên đi chữ viết và những trang thư. Thấy ấm lên tình cảm nồng nàn qua những dòng anh viết. Chân thành, mộc mạc mà chan chứa tình người. Mọi chuyện thật là tình cờ và em ngạc nhiên thực sự. Em không nghĩ rằng đã hơn một năm qua rồi mà anh vẫn còn nhớ bài viết của em đã được đăng báo. Hạnh phúc của người cầm bút là được đăng báo và độc giả đón nhận. Hạnh phúc hơn nữa lại có độc giả viết thư chia sẻ thì còn gì hơn. Có lẽ đời lính chúng mình trải qua nhiều gian nan chất chồng nên thường hay đồng điệu về phong cách sống, tình yêu thương và ngôn ngữ tâm hồn.
Ngày hôm nay chiến tranh không còn nữa song chúng ta vẫn phải vượt lên trong cuộc sống giữa sự cống hiến và giằng co tâm lý của chính mình với hoàn cảnh và đói nghèo để sống đẹp và đừng sa ngã. Có lẽ vì thế nên chúng ta thấy gần nhau hơn anh nhỉ.




Ai cũng có quê hương, cha mẹ, vợ con và bạn bè. Đời lính qua trăm sông ngàn suối, càng đi xa càng nhớ giằng xé, cồn cào. Đời lính mong manh giữa sự sống và cái chết thì nỗi nhớ xứ sở, mẹ cha và những người mình yêu thương lại càng nhân lên gấp bội. Và cứ thế ta lại thấy quý trọng và yêu thương cuộc sống và phấn đấu để sống tốt đẹp hơn. 
Đời người gian khó đã nhiều, nghèo khó đã trải nên khi trưởng thành ta nhớ những điều xưa cũ, tôn trọng và nâng niu nó anh ạ. Chỉ có ta hiểu ta nhất thôi anh nhỉ.
Thời trai trẻ mải bươn trải với cuộc đời, chẳng có điều kiện để mà suy xét lại mình. Đến giờ đứng tuổi mới hay trầm tư hơn để nhìn lại mình và gia đình mình để rồi trăn trở và đằm thắm yêu thương.



Những trang viết về cha mẹ và những người thân là những trang em thường viết bằng nước mắt anh ạ. Em không muốn thay đổi mà muốn giữ nguyên khuôn mẫu của cha mẹ mình. Những con người nông dân cần lao chất phác. Sống thật thà như bãi mía nương dâu mà chăm chút, tảo tần hết mình vì con cái. Yêu lắm những bà mẹ Việt Nam, khó có thể nói hết thành lời.
U em năm nay 87 tuổi, già nhiều nhưng rất minh mẫn và tình cảm. Đó là chỗ dựa tinh thần và là nơi neo đậu yên bình nhất sau mỗi chuyến trở về quê hương anh ạ.
Em chẳng biết nói gì vì sự quan tâm chia sẻ của anh. Em chỉ mong rằng anh coi em là đồng đội của anh như ngày anh xưa cũ. Và hãy tin rằng em đang sống đẹp.
Quê em ngay dòng sông Hồng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Một miền quê yên bình và văn minh, không hề có tệ nạn, rất thắm đượm tình người. Thế nào cũng có ngày em sẽ đến thăm anh và gia đình ở Nam Định. Từ nơi em xuống anh khoảng 60 Km. Và có dịp mời anh về quê em chơi anh ạ. Em có rất nhiều anh em bạn bè ở Nam Định đấy.
Nếu anh có điều kiện anh vào mạng internet thì sẽ đọc rất nhiều bài em viết cũng như giao lưu rất nhiều với các anh Cựu chiến binh qua mạng đấy anh ạ. Địa chỉ trang blog của em trên mạng là: http://vn.360plus.yahoo/nguyenbang65208.
Em gửi kèm theo thư này là bài viết nguyên bản NƠI BÌNH YÊN để anh xem.
Thôi có lẽ em tâm sự với anh đôi điều như vậy. hẹn anh dịp khác gần nhất anh em mình sẽ gặp nhau nhỉ.
Mong anh và gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. 
Số điện thoại của em: 0913.156659.
Ôm anh một cái thật chặt anh nhé!

Kính chào anh.
Em!
Nguyễn Bảng!



Lính già - Nguyễn Bảng 13.10.2010

KỶ NIỆM NGỌT NGÀO

Dở hơi!
Dạo này mình bị dị ứng! Dị ứng với "phong bì"! Thật chứ chả phải bỡn.
Nói ra mọi người lại bẩu: Gớm chỉ có đồ điên mới không thích phong bì. Nhưng với mình thì cứ nhìn thấy phong bì là tởn! He...he...
Nhưng ở đời ghét của nào trời trao của ấy! Khỉ thế! Sáng nay vừa vào đơn vị. Chú công vụ gọi giật lại: 
- Chú ơi! Chú có phong bì! 
- Phong bì à! Mang lên phòng làm việc cho chú. 
Thực tình cứ tưởng là hồ sơ như mọi ngày nên cũng thấy thường tình bởi dạo này công việc ngập đầu nên cứ thấy có "phong bì" là mình lại phát hoảng.
Nói dại! Các "Cốp nhớn" mà thấy có ai đưa phong bì thì cầm nhanh và cất gọn rất điêu luyện chứ cái bản mặt mình, lính láp cứ thấy phong bì là ... tởn ba đời. He... he...
Một ngày mà mở phong bì ba lần thì coi như ngày đó làm việc đến 12 giờ đêm. Thế nên chả báu phong bì cho lắm.
Nhưng đây lại là chuyện khác!
Phong bì hôm nay nhận được là một phong bì dân dã như ngàn vạn cái phong bì khác. 
Nói đúng ra là một cái thư. Một cái thư viết bằng bút mực đàng hoàng. Nhưng khổ nỗi thời buổi này ai cũng ám ảnh và thậm chí là kinh hoàng bởi kính thưa các loại phong bì rồi nên thư từ người ta cũng gộp luôn cùng loại phong bì cho nó có ... máu mặt. 
Khổ thế! 



Lạ thật! 
Ai đời thời buổi thông tin bùng nổ be bét thế này, dù mãi tít tận châu Phi, châu Mỹ xa vời vợi khi cần gặp nhau chỉ cần bấm bấm mấy cái rồi tít cái nút ô kê thế là tha hồ mè eo éo, nhí nhảnh, thậm chí còn cấu chí nhau qua điện thoại được chứ lị. Thế mà ai lại còn viết thư. 
Hàng độc đấy! Viết thư bằng mực bây giờ là việc làm xa xỉ lắm lắm. 
Mở ra đọc thì đây là một bức thư của một bác Cựu chiến binh có tên là Trần Anh Kim. Một cái tên thật đẹp với chữ ký cũng hết sức đẹp. Bác này nhà ở Thành phố Nam Định. Bác Trần Anh Kim viết thư cho mình sau khi đọc xong bài viết NƠI BÌNH YÊN (đọc ở đây) được đăng trên thư mục Blog cho mọi người của tạp chí Văn hoá Quân sự tháng 7 năm 2009. 
Bác Kim nói muốn viết thư cho mình từ lâu rồi nhưng công việc bận rộn, rồi xao nhãng, đến bây giờ là hơn một năm rồi bác mới viết thư cho mình được. 
Trang thư của bác gói trọn cả tâm tình của người lính già với những lời ngọt ngào chia sẻ, đọc mà thấy ấm áp, chân thành đến nao lòng. 
Thì ra trong cuộc sống bộn bề lo toan, trăn trở và vất vả với thăng trầm muôn mặt của cuộc kiếm tìm bươn trải mưu sinh, cứ tưởng cuộc đời quên đi giá trị đích thực của văn chương của trang viết từ cõi lòng mỗi con người để tìm một cái gì đó cao sang và lung linh hơn thế nữa. 
Nhưng không, vẫn còn đó những con người, còn đó những trái tim đồng cảm, rung động và nhân hậu, biết sẻ chia bằng tình cảm thực và sự tôn trọng chữ viết rất chân thành. Cầm lá thư trên tay và đọc lại từng trang viết mình thấy lòng mình vui phơi phới và nhẹ nhàng, thanh thoát như muốn hát. Cuộc đời vẫn đẹp sao! 
Không có số điện thoại của Bác Kim, mình nhờ bloger C120mm ở ngay Nam Định đến nhà bác Kim chơi và xin số điện thoại. Đang gọi cho anh C120mm thì nhớ ngay ra dịch vụ 1080, thế là alô tìm được ngay số điện thoại của bác Kim. 
Bác Kim gần 70 tuổi, bộ đội về hưu, nói chuyện rất tình cảm và vui vẻ. Bác tỏ ra rất đồng cảm và quý mến dù chưa hề gặp mặt. Bác muốn khi nào có dịp về Bắc mời mình về Nam Định, đến nhà bác chơi. 
Tình cảm ấy thật đáng trân trọng. Mình hứa rất khoát sẽ có ngày mình về nhà bác. 
Thì ra ở đâu cũng thấy những người lính trong muôn vạn người lính vẫn luôn chân thành, nồng nàn, tình cảm, đáng quý và đáng trân trọng như thế. 
Với mình! Đây là một kỷ niệm ngọt ngào trong đời nên mình mang máy chụp hình ra, chụp lại trang viết được đăng trên tạp chí Văn Hoá Quân sự và bức thư của Bác Trần Anh Kim. 
Mình muốn viết kỷ niệm này thành một entry như những dòng chia sẻ cùng bè bạn để ngàn năm dấu ấn khó phai. 
Xin cảm ơn Tạp chí Văn hoá Quân sự, cảm ơn bác Trần Anh Kim, cảm ơn anh em và bè bạn, cảm ơn mọi người đã quan tâm, yêu thương và chia sẻ. 
Với tôi có lẽ cuộc đời chỉ cần những kỷ niệm ngọt ngào như thế là đủ.

Lính già - Nguyễn Bảng 21.09.2010