Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

NGÀY NÀY 31 NĂM VỀ TRƯỚC

Ngày này 31 năm về trước.
Ngày 17.2.1979. Hồi đó tôi còn đang theo học lớp 7, hệ 10 năm. Vì nhà nghèo, đói ăn, nên tôi bé tí. Bé nhất trong đám học trò 12 đứa (6 nam, 6 nữ) của lớp 7 cùng làng. 
Sáng sớm, thày Sơn bộ đội phục viên người cao cao, dạy toán lên lớp giờ đầu tiên, thày cầm tờ báo nhân dân giơ lên trước lớp. Thày bảo: Lời kêu gọi tổng động viên, lớp mình có em nào xung phong không nhỉ. Cả lớp lao xao chả hiểu tổng động viên là gì. Thày giải thích, cắt nghĩa chữ Tổng động viên. Cả lớp nhìn về cuối lớp có mấy đứa học trò mặt non choẹt nhưng tướng tá cao lộc ngộc. Vì lớp mình có các bạn ấy là học sinh lưu ban của vài năm trước. Tiết học trôi đi nặng nề. Tưởng chỉ đơn giản như thế là xong. Nào ngờ mấy ngày hôm sau, lớp mình vắng luôn ba đứa. Tụi nó đăng ký đi bộ đội lên chiến trường biên giới phía Bắc để đáng giặc Tàu. Mình trẻ con chả hiểu, chỉ biết học giỏi hơn tụi nó là hãnh diện rồi, còn việc đi đánh giặc thì "còi" như mình thì đánh ai. Mình vô tư tự cho mình cái quyền ấy!!!



Hồi đó, làng mình nhỏ tí, có hơn trăm nóc nhà. Bình yên và xinh đẹp, dù chỉ cách Hà Nội chưa đầy 30 km. Qua bao năm chiến tranh mà không hề sứt mẻ chút gì và chẳng hề nếm mùi của bom rơi, đạn lạc. Có một gia đình cô bạn gái ở tít tận thị trấn Cam Đường của tỉnh Lào Cai chạy về sơ tán. Nhà cô ấy bị giặc Tàu đốt phá và đang đêm bỏ của, chạy lấy người, cha mẹ dẫn hai chị em về quê mình sơ tán. Lâu quá rồi chẳng nhớ cô ấy tên gì, chỉ biết cô ấy hát vọng cổ rất hay. Người Bắc bộ ca cổ không hay bằng người Nam bộ, nhưng cô ấy có giọng ca rất đặc biệt. Bằng tuổi mình mà cô ấy chín chắn và thuộc nhiều bài hát rất dài. Mình là thằng con trai nhà nghèo, phải mặc quần thủng đít. Mẹ mình hay vá chằng vá đụp cho lành, nhưng được cái hát hay, hay hát và vẽ giỏi. Cô ấy lại theo học cùng lớp. Thế là hai đứa làm quen, rồi thân, rồi cùng hay hát song ca bài vọng cổ "Cây sáo trúc" của soạn giả Trần Nam Dân. Lân la mình hỏi cô ấy về xứ sở Cam Đường vùng cao biên giới. Cô ấy kể cho mình nghe với ánh mắt thất thần của một người chạy loạn giặc Tàu và những cái chết thảm thương của biết bao bạn bè và người thân của cô ấy. Mình cũng hình dung ra mọi việc. Rồi những bài hát cha tôi hay nghe qua rađiô như "Chiều dài biên giới" "Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh" "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới". Những bài hát ấy đã mang hồn dân tộc và các thế hệ con người Việt Nam hừng hực vượt qua tuổi tác, bỏ lại hậu phương, xông ra tiền tuyến, và lại một lần nữa khắc vào trong tim hai chữ Sát Thát trước trang vàng lịch sử chói lọi của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm. Đây là con đường mà người dân Việt gồng mình vật lộn với quân thù trên tuyến biên cương phía Bắc. Máu con dân đất Việt đã chảy thành sông, xương chất cao thành núi. Ngọn lửa căm hờn ấy đã thôi thúc lớp lớp cha anh vững bướt lên đường. 
Ba người bạn cùng học lớp với mình vừa chưa tròn tuổi đôi mươi đã gác lại sách nghiên theo lời kêu gọi tổng động viên lên đường hành quân cứu nước. Suốt chiều dài biên giới phía Bắc mụt mù khói súng và tiếng hét căm hờn giành lại từng tấc đất biên cương. Lửa biên cương sục sôi cồn cào gào thét. Tuổi trẻ, tình yêu với ước mơ hoài bão lồng lộng đất trời mà giờ đành gác lại. Bạn tôi hiểu rằng "Khi lịch sử chọn ta làm điểm tựa, vui gì hơn làm người lính đi đầu. Trong đêm tối, tim ta làm ngọn lửa". Và hai trong ba người bạn ấy của tôi đã vĩnh hằng nằm trên dải đất biên cương phía Bắc của tổ quốc. 



Mùa Xuân năm 1985 tôi có dịp công tác suốt chiều dài tuyến biên giới phía Bắc. Qua thị trấn Bảo Lạc của tỉnh Cao Bằng. Khi ấy vẫn còn đì đùng tiếng đạn pháo của quân xâm lược Trung Quốc. 
Chiều qua, mùng 3 tết, thằng bạn tôi, thằng còn sót lại sau chiến tranh biên giới phía bắc năm đó giờ đây đang công tác ở Học viện Lục quân Đà Lạt. Nó điện cho tôi hỏi thăm sức khoẻ và chúc tết gia đình nhân dịp năm mới. Bùi ngùi thương cảm vì tình bạn vẫn nhớ nhau qua mấy chục năm trời. Nó cứ hẹn tôi cho vợ con về trên Đà Lạt chơi một ngày gần nhất. Lâu quá rồi chẳng được chút hàn huyên cho bõ thời thơ ấu cũ. Nó gửi những hộp Atiso làm quà mà mình thấy trong đó có cả tuổi thơ ngấm chìm, mình uống những trang ký ức với nhau ấm nồng tình bạn. 
Viết lại đôi dòng này vào ngày mùng 4 tết Canh Dần hôm nay sau một ngày xuân sớm bươn chải vì cuộc sống mưu sinh. Âu cũng là nhớ lại ký ức tuổi thơ. Âu cũng là để thắp lên những nén nhang tâm linh gửi tới những thằng bạn thủa học trò đã vững vàng trưởng thành bước đi kiêu hãnh lên con đường tòng quân chống quân giặc Trung Quốc cứu nước non nhà. 
Cảnh ơi!
Đức ơi!
Mình gọi tên hai bạn đấy!
Hai thằng học trò mặt còn non choẹt mà đã phải khoác áo lính trong những ngày đất nước mình binh đao lửa đạn. 
Các bạn đã lấy máu xương của mình xếp thành những vần thơ "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" trong trang vàng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt mình. 
Các bạn hãy về với tụi mình trên trang blog này chia sẻ những thăng trầm của cuộc đời người lính. Nơi sâu thẳm của tâm hồn, tất cả chúng mình đều cầu mong cho linh hồn của các bạn thanh thản, siêu thoát ở chốn vĩnh hằng. 
Hãy yên nghỉ nơi chốn biên cương các bạn nhé. Đất nước Việt mình mãi mãi khắc ghi ngày này 31 năm về trước. 
Ngày 17.2.1979. Ngày cả nước lao vào cuộc chiến biên giới phía Bắc hào hùng đánh tan quân giặc Trung Quốc !!! Mãi mãi khắc ghi!!!

Lính già-Nguyễn Bảng 17.2.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét