Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

ĐỒNG ĐỘI


ĐỒNG ĐỘI
Tôi muốn hiểu, ngày 22.12 hằng năm không chỉ là ngày sinh nhật Quân đội Nhân dân Việt Nam, mà còn là "Ngày của người lính". Trong mọi cuộc chiến tranh, người lính bao giờ cũng là người chịu khổ nhiều nhất, chịu hy sinh nhiều nhất, và sau chiến thắng, sự tưởng niệm những người lính đã ngã xuống bao giờ cũng biểu hiện bằng những "Tượng đài người chiến sĩ vô danh". 
Thực ra, mỗi người lính đều có tên, có tuổi, có cha mẹ, có quê hương. Nhưng trên hết và cao nhất, mỗi người lính có Tổ quốc. Mà Tổ quốc thì không bao giờ là vô danh. Khi người lính hy sinh cả cuộc đời mình, thậm chí cả tuổi tên mình cho Tổ quốc, là trong sâu thẳm họ đã hòa tên tuổi họ vào tên Tổ quốc. Trên đất nước đã chịu quá nhiều cuộc chiến tranh này, nếu không có danh xưng Tổ quốc, thì người lính biết tựa vào đâu để chiến đấu và chiến thắng?
Tổ quốc, không chỉ là dải đất liền hình chữ S. Tổ quốc còn trải rộng trên biển của ta, trên những hòn đảo xa trên biển của ta. Hôm rồi, có dịp ra Dung Quất, tôi đã ngồi rất lâu bên bờ biển. Hôm ấy biển động, tầm mắt tôi bị hạn chế. Ngay tới đảo Lý Sơn chỉ cách đất liền 18 hải lý hôm ấy cũng khó nhìn rõ. Huống chi là Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng nơi mà tầm mắt ta không nhìn tới được, thì tình yêu ta nhìn thấu đến. Có thể chính trong giờ phút tình cờ ấy, những người lính của chúng ta trên đảo Trường Sa cũng đang đăm đắm nhìn về đất liền. Họ cũng chỉ có thể nhìn bằng đôi mắt của tình yêu mới thấy được quê nhà. Ở nơi có những đứa con đang ngày đêm chịu nhiều khổ cực nhất, nhiều nguy hiểm nhất để cảm nhận được phần đất chìm nổi dưới chân mình chính là Tổ quốc, thì ở nơi đó, họ chỉ có thể sống được, vượt lên được bằng chính tình yêu của mình.



Với quê nhà. Với mẹ cha. Với Tổ quốc. Một tình yêu dâng hiến, thầm lặng, thậm chí vô thanh trước cái ầm ào của sóng biển. Ngày 22.12, tôi nghĩ, mỗi người chúng ta đang yên ấm trong ngôi nhà của mình, quê hương của mình, yên ấm trong thanh bình, nên dành một khoảng thời gian nghĩ về nhớ về những người lính đang trấn giữ ở những nơi địa đầu hiểm yếu, những hòn đảo tiền tiêu, những nơi đất lành thật ít dưới chân và bốn xung quanh đầy hung hiểm với họ. Nếu không có một tình yêu thật lớn, thật sâu sắc, thật vô tư, người ta không thể sống, thậm chí không thể tồn tại ở những nơi đó. Người lính của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngay từ cái tên của mình đã hàm nghĩa họ "Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu". Mà nhân dân là thuộc về Tổ quốc, thuộc về nơi hàng nghìn đời nhân dân đã "đổ mồ hôi sôi giọt máu" để chúng ta có trọn vẹn một bờ cõi giang sơn như ngày nay. 
Từ những cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ tới những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975, hình ảnh người lính Việt Nam bao giờ cũng cao đẹp một cách vô cùng bình dị. Khi người ta yêu, lọ cần phải nói nhiều. Và trong hình ảnh người lính hôm nay của chúng ta, tôi như nhìn thấu suốt chập chùng hình ảnh những người lính Việt mang gươm đi giữ nước từ bao đời nay. Họ ra đi với một tình yêu. Và nếu may mắn có ngày về, họ trở về với một tình yêu. Còn khi phải ngã xuống, họ ngã xuống với một tình yêu. Tình yêu biến thành máu xương dâng cho Tổ quốc.


Việt Báo (Theo_Thanh_Nien) 
Nguyễn Bảng 21.12.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét