Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

THƯƠNG NHỚ TUỔI LÊN 10

Bận! 
Bận kinh người!
Dạo này sao mà lắm việc. Từ bữa đi Hà Nội vào công việc cứ chất chồng lên nhau. Đôi khi người cứ như thằng đần, chả biết việc gì làm trước, việc gì làm sau. Rối như canh hẹ. Mệt tơi tả mà vẫn phải cười toe toét. 
Chả nhẽ lại mếu. 
Ừ! Kể ra mà mếu được thì có khi cũng mếu tí cho nhẹ lòng. 
Ẩm ương thật!
Linh tinh chả đâu vào đâu. 
Lươn khươn nằm ườn ra ghế, lơ mơ lại nhớ một thời thơ dại ngơ ngẩn lần đầu đi Hà Nội và cũng là lần đầu định nghĩa về Hà Nội... 
Buồn cười thật! 
Chao ơi!
Ngồi nhớ lại ngày xưa hồi bé tẹo...



Ừ! Có lẽ đâu hồi đó học lớp 4. Nhà nghèo xơ xác, chuyên mặc quần áo vá, mùa đông có khi quần áo rách xả, thủng cả đít cũng vẫn lê đi học. Sao cái thời ấy cơ cực vô cùng mà vẫn ham học thế chả biết. Như bây giờ thì bỏ bố nó đi kiếm cơm cho rồi. 
Và lần đầu tiên tôi được theo U tôi đi Hà Nội. 
Kinh! Cái cảm giác được đi Hà Nội thì khấp khởi cả đêm, chả ngủ nghê gì, chỉ mong sao trời mau sáng để dậy đùm nắm cơm nắm vào tàu lá chuối khô rồi theo U ra bến tàu thuỷ ngược Hà Nội, lên nhà cô tôi chơi. 
Chao ơi là sướng! 
Cảm giác lần đầu tiên được về thủ đô thì chỉ nghĩ thôi đã thấy sướng tới tận củ tỉ.
Còn đây là chuyến đi thật chứ bỡn à. Thế nên tôi sướng lắm. Không ngủ được là đúng rồi.
Mỗi tội phải đi chân đất vì làm gì có dép mà đi. Tất nhiên hôm ấy tôi không phải mặc quần vá. 
Tàu thuỷ ngược sông Hồng chạy như rùa, từ 11 giờ trưa mà đến 7 giờ tối mới tới bến Phà Đen ở Hà Nội. 
Trong con mắt trẻ thơ, bỡ ngỡ của tôi thì Hà Nội thật lung linh, ánh điện ngập tràn, từ bé tôi chưa bao giờ được ngắm thành phố to lớn và nhiều ánh điện như thế. Những ngôi nhà lắp ghép cao tầng cứ nối đuôi nhau, đường phố thì toàn xe đạp, chen chúc và giàu có. Thời đó nhà nào mà có cái xe đạp Tàu Phượng hoàng hay xe đạp Thống nhất thì giá trị còn hơn cái ô tô bây giờ chứ bỡn à. 
Ôi! Một Hà Nội giàu có trong con mắt 10 tuổi của tôi. 
Tôi hỏi mọi chuyện, đến mức mấy bà đi chợ cùng U tôi phải nhắc: Đừng hỏi nhiều thế, người ta nghe thấy họ sẽ bảo mình là dân nhà quê đấy. 
Thế là tôi tịt ngay. 
Cứ nghĩ đến hai từ "nhà quê" là tôi hãi, chả hiểu sao lại hãi vì nghe như nó miệt thị điều gì, như lông như lỗ và như hèn kém và u mê lắm lắm. 
Cho mãi đến nhiều năm sau này tôi mới ý thức để cố tình cắt nghĩa và để ý triệt để xem người phố cư xử với người nhà quê ra sao. 
Mà lạ! Chỉ có người ở phố mới có từ nhà quê thôi. Ngộ ghê!
Từ bến Phà Đen về nhà cô tôi ở Chợ Mơ phải đi bộ dễ đến hơn chục cây số. Xa lắm, tôi chỉ biết chạy gằn theo U tôi gánh mì bánh đa và mấy con gà cùng mớ đu đủ chín mang lên làm quà. Còn tôi thì hai chân mỏi rã rời mà chả dám kêu vì sợ kêu thì lần sau còn lâu mới được U tôi cho đi chơi nữa.
Mãi tới khuya mới về được đến nhà cô tôi. Gọi là nhà nhưng thực ra chả rộng rãi thoáng mát bằng nhà tôi ở quê vì đây là nhà tập thể của khu Mai Hương chưa được xây. Mái tranh, vách đất, chật chội và nóng bức. 
Điều ám ảnh tôi nhất là đi vệ sinh ở nhà vệ sinh tập thể. Bẩn kinh người, chuột cống và những cái xẻng chờ sẵn để lấy phân... Điều này có lẽ ai ở Hà Nội những năm đó thì chắc chắn sẽ rất "ấn tượng khó phai" không thể nào quên được...he...he...
Những khu vệ sinh tập thể ấy có lẽ là xuất xứ của những câu thơ đại loại rằng: "Nhân dân Cổ Nhuế xin thề, không đầy hai sọt không về ăn cơm"....
Tuy nhiên tôi vẫn thấy sướng mê tơi vì được cô tôi mua cho hẳn một đôi dép cao su bốn quai mới tinh với giá năm hào. Và cô tôi còn dúi cho tôi bốn hào vừa tiền xu và tiền giấy nữa để mua lặt vặt. Tôi như người nằm mơ gặp được cô tiên trong truyện cổ tích. Tôi còn được cô tôi cho những bộ quần áo cũ của em tôi đã thải ra. Vì con của cô tôi lớn hơn tôi một tuổi. 
Chao ơi là sướng. Tôi xuýt xoa và mặc thử cả cái dài, cái chật. 
Và tôi thấy người phố họ thật vương giả, vừa không phải lao động mà vẫn có gạo tem phiếu và thịt cá chứ chả một nắng hai sương, quần quật cấy cày để làm ra hạt gạo như nông dân chúng tôi suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, quanh năm mặc quần thủng đít, thiếu đói trăm bề. Tôi ao ước được như họ hay được làm con của họ để hưởng cái sung sướng an nhàn thế kia. 
Ôi! Những ý nghĩ thật ghê gớm và không tưởng của tôi thời ấy.
Người phố có lẽ hay quên! 
Lũ em tôi nó thật đoảng, chúng nó cũng hay quên. Gặp tôi mà chúng nó quên phắt những ngày nó về sơ tán ồn ào và quậy phá vỡ trời ở nhà tôi những năm chiến tranh bom đạn ngập trời Hà Nội. Mặc dù thời gian trôi qua chưa lâu, tầm gần một năm chứ mấy. Chả có đứa nào chịu nhớ và chịu chơi với tôi vì lũ bạn của chúng nó bảo tôi là đồ nhà quê. Chúng khinh khi, ghẻ lạnh với tôi chứ không trò chuyện tình cảm, gần gũi và chia sẻ như tôi nghĩ. Tôi tự ái và tủi thân, bỏ cơm không thèm ăn và đòi về. Khi đó tôi mập mờ hiểu ra rằng dân nhà quê chúng tôi thật khác xa người thành phố. Họ thuộc đường hơn tôi, đẳng cấp và danh giá hơn dân đen chúng tôi nhiều, mặc dù khi đó tôi là một học sinh trường làng rất giỏi. Giỏi hơn tất cả lũ em con của cô tôi trên phố này.
Cô tôi hiểu được ý tôi nên bắt em tôi đưa tôi đi bờ hồ chơi bằng tàu điện. Từ Chợ Mơ mà đi Bờ Hồ thì rất tiện. Lần đầu tiên tôi được đi tàu điện với những tiếng leng keng rất vui tai và nhộn nhịp người lên xuống. Có lũ trẻ con Hà Nội chúng đi học về còn đu trên tàu điện và nhảy lên xuống nhoăn nhoắt rất điệu nghệ. Tôi nhìn tụi nó mà thán phục, ngưỡng mộ vô cùng. Chúng tự tin quá đỗi. Còn tôi thì ngồi co ro một chỗ chả dám ho he. Khi hai đứa chúng tôi xuống ga tàu điện Bờ hồ thì một toán người chen lên, chen xuống nháo nhào thật bực mình. Chúng tôi lang thang nhìn ngắm Tháp Rùa. Đây là Tháp rùa thật chứ không phải là trong sách mà tôi đã học đâu nhé. Tôi thấy mình thật tự hào và hãnh diện vô cùng vì sẽ có ối chuyện để về quê khoe với đám bạn lau nhau khi đi học. 




Trời nắng như đổ lửa, chơi chán thì khát. Em tôi bảo vào xếp hàng mua kem. Tôi thấy tiếc tiền nhưng cũng đồng ý. Nhưng khi sờ đến tiền thì ôi thôi! Nó không cánh mà bay. 
Những bốn hào cơ mà. 
Đâu mất rồi. 
Tôi hoảng! 
Tôi sợ! 
Tôi tiếc! 
Và tôi khóc.
Tôi đã bị móc túi mất sạch cả bốn hào khi xuống ga tàu điện Bờ Hồ. 
Tôi khóc như mưa. Tôi muốn chạy về nhà nhưng em tôi dỗ tôi là sẽ mua kem cho tôi ăn. 
Tôi vẫn khóc, vừa khóc vừa ăn kem. Và cứ thế hai anh em vừa đi vừa ăn, lang thang đi bộ từ Bờ Hồ về Chợ Mơ vì mua kem hết tiền đi tàu điện. 
Về nhà em tôi kể lại cho cả nhà nghe, Cô tôi cười và không nói gì, U tôi thì thở dài tiếc bốn hào còn mấy đứa em gái con cô tôi thì bĩu môi nguýt dài buông theo một câu gọn lỏn: "Đúng là đồ nhà quê". 
Tôi nằng nặc đòi về bằng được cho dù mới ở phố được hai ngày. Và thế là ngay sáng sớm ngày hôm sau tôi lại chạy gằn theo U tôi ra bến Phà Đen để xuôi tàu về nơi mà với tôi là yên bình, thơ mộng và chân chất tình người nhất. Để lại đằng sau phố phường thủ đô ngập tràn ánh điện và các dãy nhà cao tầng là những bước chân đất chạy gằn với hằn trong đầu ấn tượng về khu vệ sinh tập thể và những kẻ móc túi trên tàu điện Bờ Hồ. 
Hành trình của tuổi thơ tôi!
Cho đến bây giờ, mỗi khi về Hà Nội, tôi thường ra Bờ Hồ uống cà phê pha loãng và thích được vác máy ảnh, lang thang đi bộ quanh bờ hồ và dọc phố Hàng Đào để nhớ lại những giọt nước mắt thời thơ ấu cũ với vài ngày ở chốn đô thành đưới con mắt và kỷ niệm của một kẻ nhà quê khi tôi mười tuổi. 
Chả hiểu sao tự nhiên hôm nay không ngủ được. Tôi ngả người suy nghĩ lung tung. Nhớ như in câu chuyện cũ, viết ra đây để nhớ kỷ niệm một thời thơ dại. 
Sorry! (Xài tẹo tiếng tây cho nó sang miệng). He..he... 
Sorry các bạn là người Tràng An chính hiệu nếu thật sự tôi có gì lỗ mãng trong trang viết này. Hãy bỏ quá cho tôi nhá! Dù sao tôi cũng là người nhà quê gốc chứ không phải nhà quê nửa mùa như các em con của cô tôi! 

Lính già - Nguyễn Bảng 23.10.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét