Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

VỀ VỚI AN GIANG

Sau những ngày vất vả bươn chải vì mưu sinh, giữa những ngày hè nóng nực, cả nhà ngẫu hứng làm một chuyến về với An Giang. Biết rằng mùa này về An Giang không đẹp nhưng vẫn muốn đổi gió một chút cho thanh thản và nhẹ nhõm cõi lòng.





Thị xã Châu đốc hôm nay cũng có nhiều đổi thay xong thấy vẫn còn rất chậm. 




Trên sông là những nhà bè nuôi cá và chợ nổi, cảnh bán mua và nhịp sống sinh hoạt đời thường vùng sông nước vẫn còn giữ những nét đặc trưng riêng thật thú vị. 




Nông thôn An Giang vẫn có những xe trâu thế này là phương tiện chuyên chở chính. Nét nông dân thật đậm đà và yên bình.




Núi Sam là nơi tổ chức lễ hội cũng như khu du lịch của khách phương xa.




Cổng Tam quan trước khi vào khu lễ hội. Nhìn thấy có nét gì đó hơi hài hước vì thiết kế xây dựng kiểu nửa cổ nửa kim. 




Vào đến nơi cũng vẫn là những cảnh tượng trèo kéo và tiếp thị khách thập phương. Đặc biệt là những người xe ôm và bán vé số dạo. Tôi rất ngại khi bị một người bán vé số dúi vào mặt những tấm vé số mời mua. Bực mình, tôi giơ máy ảnh lên chụp, thế là chị ta chạy mất tiêu. Tôi phải la toáng lên tôi là phóng viên. Thế là họ hết dám mời. Kinh!!!




Khu thờ bà Chúa Xứ Núi Sam, kiến trúc kiểu cổ phục chế lại trong một không gian khá chật trội với nhiều dãy nhà cao tầng.




Nhà thờ chính được xây dựng khá đẹp và uy nghi.




Trước nhà thờ có những con sư tử bằng đá rất lớn.




Sườn Núi Sam là những ngôi nhà sàn treo leo rất sơ sài, tạm bợ. Mùa này nắng nóng nên càng thấy cái xác xơ của vùng sơn cước. Thật ít màu xanh.




Từ trên đỉnh núi nhìn xuống thấy cả một dải đồng xanh.




Và thấy cả con đường chính từ TX. Châu Đốc đến Vía Bà Núi Sam, vẫn lơ thơ ít nhà dân hơn những vùng miền khác.




Món quà kỷ niệm của chuyến đi là những chiếc Hồ lô nho nhỏ làm móc khoá do người dân bán trên đỉnh núi. Mình làm vài chục cái để cúng trên tảng đá rất to mà ngày xưa Bà Chúa Xứ đã ngồi. Nghe người dân nói làm như vậy để cầu may mắn. 




Tôi dừng lại nhờ chú Lái xe chụp cho tấm hình ở những bậc thang nhân tạo để đi lên đỉnh núi. Nếu các bạn đến nơi này và leo lên đỉnh núi thì chắc chắn sẽ nhận thấy đây là nơi tôn nghiêm thờ cúng, tham quan, du lịch và tổ chức lễ hội nhưng công tác tổ chức ở đây khá bát nháo và có vẻ nhếch nhác, sơ xài, chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức của một di tích được xếp hạng cấp quốc gia. 
Lại một nỗi buồn tự nhiên trỗi dậy.




Rời Núi Sam tôi vòng qua tham quan biên giới Việt - Miên. Giữa cánh đồng lúa bao la, bên đường có tấm Pano như thế này, báo hiệu sắp đến biên giới.




Ghé thăm và mua sắm ở Siêu thị miễn thuế vùng biên giới. Một cảm giác tưởng là hàng miễn thuế thì giá sẽ rẻ hơn. Nhưng quên đi! Nếu bạn có ý nghĩ đó sẽ là một sai lầm lớn nhé. Giá các mặt hàng của Thái Lan và Việt Nam ở đây đắt hơn ngoài chợ rất nhiều. Mình là người rất hay đi mua sắm ở siêu thị nên nắm khá chắc giá cả thị trường. Và khi hỏi ra mới biết đây là khu mặt bằng cho tư nhân thuê để kinh doanh. Vì vậy giá hàng hoá đắt hơn cả ở Vĩnh Long cũng như các tỉnh khác. Ví như một đôi dép Thái Lan cùng chủng loại bán ở đây đắt hơn bán ở Vĩnh Long 6.000 đồng. Có lẽ vì thế nên tôi thấy rất ít người đến mua sắm ở đây, mặc dù mặt bằng rất rộng rãi và hoành tráng. 
Tuy nhiên mình vẫn mua rất nhiều hàng hoá các loại để chất lên xe. Chủ yếu là hàng tiêu dùng và đồ ăn uống của Thái Lan vì ở đây có rất nhiều... he...he... Nước ngọt nhãn hiệu bò húc hàng hiệu của Thái Lan xịn mình mua luôn 5 thùng. Về nhà, các đệ tử tha hồ uống vài tháng không hết... khà..khà...




Qua kênh Vĩnh Tế vẫn thấy nét đặc trưng là những ngôi nhà san sát dọc trên kênh thế này với sinh hoạt hoàn toàn tại chỗ, từ nước ăn và rác thải. Tất cả đều thải xuống sông và cũng lấy nước ăn từ sông. Dòng kênh có màu sóng sánh ngồ ngộ. Lại nhớ đến tựa đề một bộ phim có tên "Bao giờ cho đến tháng mười"! Chả biết đến bao giờ!!! Để những cô gái miệt An Giang không phải dắt nhau ào ạt đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc! Và tôi lại ngả dài trên ghế, lim dim mắt ước mơ cho những ngày mới để rồi có lẽ chỉ là mơ ước của hôm nay.
Thôi! Chả biết viết gì. Vớ vẩn vài hàng thế đã rồi vài hôm nữa tính sau.


Lính già - Nguyễn Bảng ngày 23-6-2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét