Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

KỶ NIỆM NGỌT NGÀO

Dở hơi!
Dạo này mình bị dị ứng! Dị ứng với "phong bì"! Thật chứ chả phải bỡn.
Nói ra mọi người lại bẩu: Gớm chỉ có đồ điên mới không thích phong bì. Nhưng với mình thì cứ nhìn thấy phong bì là tởn! He...he...
Nhưng ở đời ghét của nào trời trao của ấy! Khỉ thế! Sáng nay vừa vào đơn vị. Chú công vụ gọi giật lại: 
- Chú ơi! Chú có phong bì! 
- Phong bì à! Mang lên phòng làm việc cho chú. 
Thực tình cứ tưởng là hồ sơ như mọi ngày nên cũng thấy thường tình bởi dạo này công việc ngập đầu nên cứ thấy có "phong bì" là mình lại phát hoảng.
Nói dại! Các "Cốp nhớn" mà thấy có ai đưa phong bì thì cầm nhanh và cất gọn rất điêu luyện chứ cái bản mặt mình, lính láp cứ thấy phong bì là ... tởn ba đời. He... he...
Một ngày mà mở phong bì ba lần thì coi như ngày đó làm việc đến 12 giờ đêm. Thế nên chả báu phong bì cho lắm.
Nhưng đây lại là chuyện khác!
Phong bì hôm nay nhận được là một phong bì dân dã như ngàn vạn cái phong bì khác. 
Nói đúng ra là một cái thư. Một cái thư viết bằng bút mực đàng hoàng. Nhưng khổ nỗi thời buổi này ai cũng ám ảnh và thậm chí là kinh hoàng bởi kính thưa các loại phong bì rồi nên thư từ người ta cũng gộp luôn cùng loại phong bì cho nó có ... máu mặt. 
Khổ thế! 



Lạ thật! 
Ai đời thời buổi thông tin bùng nổ be bét thế này, dù mãi tít tận châu Phi, châu Mỹ xa vời vợi khi cần gặp nhau chỉ cần bấm bấm mấy cái rồi tít cái nút ô kê thế là tha hồ mè eo éo, nhí nhảnh, thậm chí còn cấu chí nhau qua điện thoại được chứ lị. Thế mà ai lại còn viết thư. 
Hàng độc đấy! Viết thư bằng mực bây giờ là việc làm xa xỉ lắm lắm. 
Mở ra đọc thì đây là một bức thư của một bác Cựu chiến binh có tên là Trần Anh Kim. Một cái tên thật đẹp với chữ ký cũng hết sức đẹp. Bác này nhà ở Thành phố Nam Định. Bác Trần Anh Kim viết thư cho mình sau khi đọc xong bài viết NƠI BÌNH YÊN (đọc ở đây) được đăng trên thư mục Blog cho mọi người của tạp chí Văn hoá Quân sự tháng 7 năm 2009. 
Bác Kim nói muốn viết thư cho mình từ lâu rồi nhưng công việc bận rộn, rồi xao nhãng, đến bây giờ là hơn một năm rồi bác mới viết thư cho mình được. 
Trang thư của bác gói trọn cả tâm tình của người lính già với những lời ngọt ngào chia sẻ, đọc mà thấy ấm áp, chân thành đến nao lòng. 
Thì ra trong cuộc sống bộn bề lo toan, trăn trở và vất vả với thăng trầm muôn mặt của cuộc kiếm tìm bươn trải mưu sinh, cứ tưởng cuộc đời quên đi giá trị đích thực của văn chương của trang viết từ cõi lòng mỗi con người để tìm một cái gì đó cao sang và lung linh hơn thế nữa. 
Nhưng không, vẫn còn đó những con người, còn đó những trái tim đồng cảm, rung động và nhân hậu, biết sẻ chia bằng tình cảm thực và sự tôn trọng chữ viết rất chân thành. Cầm lá thư trên tay và đọc lại từng trang viết mình thấy lòng mình vui phơi phới và nhẹ nhàng, thanh thoát như muốn hát. Cuộc đời vẫn đẹp sao! 
Không có số điện thoại của Bác Kim, mình nhờ bloger C120mm ở ngay Nam Định đến nhà bác Kim chơi và xin số điện thoại. Đang gọi cho anh C120mm thì nhớ ngay ra dịch vụ 1080, thế là alô tìm được ngay số điện thoại của bác Kim. 
Bác Kim gần 70 tuổi, bộ đội về hưu, nói chuyện rất tình cảm và vui vẻ. Bác tỏ ra rất đồng cảm và quý mến dù chưa hề gặp mặt. Bác muốn khi nào có dịp về Bắc mời mình về Nam Định, đến nhà bác chơi. 
Tình cảm ấy thật đáng trân trọng. Mình hứa rất khoát sẽ có ngày mình về nhà bác. 
Thì ra ở đâu cũng thấy những người lính trong muôn vạn người lính vẫn luôn chân thành, nồng nàn, tình cảm, đáng quý và đáng trân trọng như thế. 
Với mình! Đây là một kỷ niệm ngọt ngào trong đời nên mình mang máy chụp hình ra, chụp lại trang viết được đăng trên tạp chí Văn Hoá Quân sự và bức thư của Bác Trần Anh Kim. 
Mình muốn viết kỷ niệm này thành một entry như những dòng chia sẻ cùng bè bạn để ngàn năm dấu ấn khó phai. 
Xin cảm ơn Tạp chí Văn hoá Quân sự, cảm ơn bác Trần Anh Kim, cảm ơn anh em và bè bạn, cảm ơn mọi người đã quan tâm, yêu thương và chia sẻ. 
Với tôi có lẽ cuộc đời chỉ cần những kỷ niệm ngọt ngào như thế là đủ.

Lính già - Nguyễn Bảng 21.09.2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét