Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

NHỮNG NGƯỜI SỐNG QUANH TÔI 3

Phần 3. Lối quê xưa! (Ngày về)

Xuống Ga Hà Nội. 
Anh Lính hoà vào dòng người trên phố Trần Hưng Đạo khoác Ba lô ung dung bước trên hè phố ra bến tàu thủy về quê.
Chiếc tàu thuỷ hú những hồi còi dài và dời bến. Ngồi trên boong tàu, anh lính bồi hồi nhìn hai bên bờ sông Hồng ngút ngát một màu xanh mướt mắt của những bãi ngô non sắp đến thời kỳ trổ cờ. Trời cuối xuân trong mát đến lạ lùng. Hình như trời thương anh, trời đón anh về quê vào một ngày đẹp như thế. Lòng anh lính xốn xang như muốn hát. 
Nhiều người trên chuyến tàu thuỷ hôm ấy họ cũng nhận ra anh. Họ là người cùng quê với anh, họ đi ngược xuôi, buôn thúng, bán bưng trên Hà Nội để kiếm thêm tiền chi tiêu cho gia đình trong những lúc nông nhàn. Họ túm vào hỏi han, trò chuyện. Họ nói cho anh nghe về chuyện làng mạc, chuyện quê hương, dòng họ… Họ cứ bô bô chẳng cần ý tứ. Họ thấy như hãnh diện khi là người đầu tiên được gặp anh. Họ nghèo, nhưng tâm tính họ tươi vui, chất phác, thật thà, tình cảm và nồng hậu. Anh Lính thấy mình nao nao xúc động và nhỏ bé trước những con người cần lao ấy.
Rồi chuyến tàu cũng cặp bến. Mọi người nhốn nháo, gồng gồng, gánh gánh lên bờ. Dù tất bật nhưng một chị trong đám cũng không quên bỏ lại cho anh lính một câu bông đùa nghịch ngợm: Này! Chú cứ từ từ mà về sau! Chị về trước, chị gọi người yêu chú mau mau chạy ra mà vần khẩu pháo đại về nhá! Rồi chị nháy mắt một cái trông rất điêu và lao đi thoăn thoắt.
Anh cười hiền đáp lại, rồi anh xốc ba lô đi dọc triền đê xanh mướt cỏ may. 
Đây rồi cánh đồng lúa, và kia những bãi ngô, những vồng khoai của quê anh. Tất cả nó nồng nàn mơn mởn đang thời con gái. Cả một thảm xanh trước mắt anh dập dềnh, uốn éo, đung đưa, ngả ngớn, vờn giỡn như làm mình, làm mẩy với gió xuân, tạo lên những làn sóng xanh nối đuôi, đuổi nhau đẹp đến nao lòng.
Anh lính cởi đôi giày sĩ quan, nhét vào cóc ba lô, xắn quần, đi chân trần xuống đất. Một cảm giác mát rượi lùa vào kẽ chân. Ôi cảm giác đôi chân trần của người lính xa quê bước trên thớ đất quê hương nó mới thanh thản và thánh thiện làm sao. Những kỷ niệm thủa ấu thơ tưởng như đã chôn chặt, cất giấu trong tâm hồn của người lính bỗng ùa về trong ký ức. Cũng mảnh đất này, triền đê này, 20 năm trước anh và đám bạn trăn trâu, cắt cỏ một thời đã sống với những trò chơi đánh trận giả hay lấy quả phi lao cho vào ống bơ đốt lên sưởi ấm mỗi khi gió mùa đông bấc tràn về. 


(Ảnh này sựu tầm tại nhà tôi! Nếu vợ tôi đòi bản quyền, tôi xin bóc xuống ngay ạ!)


Đón anh trên dốc đê đầu làng là một cô thôn nữ cùng học một trường với anh ngày xưa ấy. Đấy là người yêu anh. Con gái của một ông Bác sỹ Quân y đã được về nghỉ hưu từ những năm 1972. Ông được nghỉ hưu sau hai mươi mấy năm tham gia hai cuộc trường chinh chống Pháp và chống Mỹ.
Vậy mà anh lính và cô yêu nhau đã gần bảy năm rồi đấy nhỉ. Gần bảy năm yêu nhau chỉ qua những cánh thư và ít có ngày gặp mặt.
Cô đẹp! Cái đẹp rạng ngời, mặn mà, có duyên thầm, kín đáo và nhẹ nhàng với cái dáng cao cao, mảnh mai nhưng tròn lẳn, gọn gàng của một cô thôn nữ thợ cấy bậc bảy chứ không phải nét đẹp sắc sảo, chanh chua như mấy cô gái mặt đầy kem phấn, lẳng lơ, áo quần loè xoè ở phố xá như những nơi anh đã qua. Có lẽ anh lính yêu cô cũng vì lẽ đó. Cô hy sinh đường danh tiến để gánh vác cái vất vả tảo tần cùng cha mẹ lo toan cho các em mình ăn học và lo toan cho cả cha mẹ người yêu của cô. Hôm nay cô mừng lắm khi được tin đi đón anh về. Khuôn mặt cô ngời nên niềm yêu thương, hạnh phúc và hãnh diện. Chỉ có anh lính mới đọc được hết nỗi niềm ở nơi cô thôn nữ. 

Anh lính và cô ngồi nghỉ trên triền đê mơn man gió xuân và đắm chìm trong cảm xúc của những ngày xa nhau biền biệt và họ nói với nhau về nỗi nhớ nhung chờ đợi trong những ngày xa cách. Họ nói về chuyện đám cưới của họ trong một ngày gần nhất. Rất nhiều điều họ muốn nói với nhau…
Hoàng hôn ngày cuối xuân đã ngả màu vàng chanh phía Tây. Những tia nắng mềm và mỏng cuối ngày đã dần tắt trên triền đê xanh mướt. Đàn bò đã đủng đỉnh ra về. Chỉ còn có hai người, Anh lính và cô thôn nữ trên triền đê với tình yêu đắm say và nồng nàn hạnh phúc.
Lính già - Nguyễn Công Bảng 22.4.2009
Bài này đã được đăng (Nhấn vào đây để xem)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét