Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

CHÁY.

BLOGGER HOÀNG LIÊM 12136
VỚI "CHUYỆN KỂ VỀ MỘT GIA ĐÌNH LIỆT SỸ" 
NƠI CHÁY LÊN NGỌN LỬA TRÁI TIM 

Tình cờ tôi quen anh, bởi anh là một trong rất nhiều bạn bè trên trang Blog Yahoo của tôi. 
Trong một chuyến đi công tác Hà Nội. Tôi bất ngờ được gặp anh, một người đàn ông trung niên đẹp, có mái tóc hoa râm tầm thước, lịch lãm, nồng hậu, chân thành và thật tình cảm từ mạng ảo bước ra ngoài đời giữa những ngày đầu đông năm 2009. Trời se se gió lạnh trong một không gian thoáng đãng tại nhà hàng trên đường Trường Chinh có cây hoa sữa cổ thụ đang độ nở hoa toả hương thơm ngào ngạt. Một làn hương thơm ngất ngây rất đặc trưng của Hà Nội. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, thân thiết như anh em trong nhà.
Tôi đón từ tay anh một cuốn sách. Một cuốn sách không dày và không mỏng do Nhà xuất bản Thanh niên mới phát hành. Anh ghi và ký tặng tôi cuốn sách anh mới viết ấy bằng cả sự chân thành, tin yêu và chia sẻ. Tôi run run xúc động, và tôi hiểu anh trao cho tôi tất cả niềm tâm sự từ trái tim anh về những người đồng đội thân yêu đã đồng hành cùng anh một thời băng qua lửa đạn, đi suốt chiều dài của cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước thần kỳ.

Anh! Một người lính may mắn vẹn nguyên trở về sau cuộc chiến.

Anh là Hoàng Liêm!
Tác giả của cuốn sách mà tôi đang được cầm trên tay có tựa đề "Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ". Cuốn sách đã được đông đảo bạn đọc đón nhận. Cuốn sách như những lời tri ân của anh với những đồng đội ở Trung đoàn E271 đã ngã xuống nơi chiến trường lửa đạn của vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ. 



Sau bao năm đất nước im tiếng súng, giờ đây tóc anh đã điểm bạc, da anh đã chớm mồi mà trong anh vẫn không hết trăn trở và đau đáu với đồng đội bởi lời hẹn xưa. Tôi xúc động nghẹn ngào khi anh viết: 

Lời hẹn xưa của chàng lính chiến:
"Về nhà tao, nếu mày có ngày sau".
Câu hát cũ và lời hẹn cũ
Day dứt lòng ai - Bạc mái đầu.
Lời hẹn ấy đã theo anh qua bao tháng năm, đi mãi đến ngày hôm nay vẫn chưa dừng lại.
Tôi miên man, ngốn ngấu và nghẹn ngào với lời tâm sự của anh qua từng trang viết. Dẫu vẫn biết rằng tôi có bản lĩnh rất vững vàng của một người lính. Thế nhưng tôi đã nhiều lần lã chã những giọt nước mắt tiếc nuối và đớn đau khi anh kể đến đoạn anh Khải, một người bạn chiến đấu của anh đã kiên cường chặn đánh giặc phục kích để đồng đội cáng thương binh an toàn về tuyến sau. Và anh Khải đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa một lần nắm tay một người con gái. 
Những giọt nước mắt chắt ra đắng chát từ những dòng chữ khi bắt gặp tình mẫu tử đau đớn đến tột cùng của người cha và người mẹ. Đấy là người cha Bùi Khắc Tráng và người mẹ Việt Nam anh hùng Lâm Thị Lam ở thôn Hồ Nam, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Một gia đình có 4 người con đã anh dũng hy sinh trong lửa đạn. Các anh, các chị đã hiến cả máu xương của mình cho sự bình yên và trường tồn dân tộc. 
Cụ Bùi Khắc Tráng là một nhà giáo, sống đầy trách nhiệm với gia đình và vợ con. Cụ đã chăm chút, giáo dục và rèn rũa con cái mình tường tận từng nét chữ cho đến đạo làm người. Cụ luôn dạy các con của cụ làm người hãy lấy chữ Nhân làm gốc. Tôi thấy hiện hiển ở cụ một người cha khúc triết và tin yêu. Một người cha trụ cột vững vàng sau 4 lần nhận giấy báo tử của các con nhưng vẫn nuốt đau thương vào lòng, vượt qua gian khó để làm chỗ dựa tin cậy cho cả gia đình trong những thời điểm đớn đau nhất. 
Các anh các chị ơi! Thật hạnh phúc khi có một người cha như thế.
Thừa hưởng sự giáo dục sâu sắc của cụ, bốn người con liệt sỹ của cụ là anh Bùi Khắc Khới, anh Bùi Khắc Kiêm, chị Lê Thị Vượng (Con dâu của cụ, là vợ anh Bùi Khắc Kiêm) và anh Bùi Khắc Tường đều là những con người tuyệt vời, có tình yêu quê hương thiết tha, nồng nàn, có trái tim nhân hậu, kiên cường, quả cảm nhưng rất đỗi thông minh và tài hoa, thực sự là những tấm gương tiêu biểu của một thế hệ thanh niên Việt Nam anh hùng.
Anh Bùi Khắc Khới là người lính biên phòng, con lớn của cụ đã từng tham gia hai cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, qua những trang nhật ký rất văn hoa nhưng mạch lạc của anh cho thấy cuộc sống riêng tư của anh có hoàn cảnh éo le do thời đại còn phong kiến, anh ít có điều kiện học hành nhiều như các em anh, nhưng anh thể hiện là người rất thông minh, tài hoa, am hiểu nghệ thuật, anh chơi violong rất hay. Anh yêu với tình yêu đắm say và trong sáng, nâng niu và trân trọng giá trị tình yêu. Sống tràn đầy nhiệt huyết bằng trách nhiệm và lòng tự trọng. Anh viết thư tâm sự với người mình yêu:

Anh yêu em dù muôn trùng xa cách.
Em mãi ở trong anh
Em "Cô giáo" của anh
Nhưng em ơi chiến tranh
Kẻ thù buộc chúng ta cầm súng.
Nếu một ngày kia anh ngã xuống.
Vĩnh biệt em rồi, anh vẫn thuộc về em.
Và anh đã anh dũng hy sinh nơi miền biên cương của hai đất nước Việt - Lào khi còn mang trong mình biết bao khát vọng về tình yêu và cuộc sống ở tương lai. Khi sống, anh được đặt thật nhiều tên: Anh Khới; anh Khởi; Thủ trưởng Khới; Nghệ sĩ Khới; Ca Hát; Bùi Khắc Khổ. Những cái tên ấy của anh được mọi người gọi thật ấm áp và trìu mến. Thế nhưng khi anh ngã xuống thì những cái tên đó đều không có trên bia mộ của anh. Anh! Người chiến sỹ vô danh đã anh dũng ngã xuống nơi miền biên cương của tổ quốc để giờ đây mỗi khi nhắc đến anh, chị Lệ, người yêu cũ của anh dù đã gần 70 tuổi vẫn thẫn thờ trống vắng và tiếc nuối, dẫu hiện tại cuộc sống của chị hôm nay cũng khá đủ đầy.
Lời thủ thỉ của Hoàng Liêm đã cho tôi nhận thấy tình yêu của cặp vợ chồng liệt sỹ Bùi Khắc Kiêm với chị Lê Thị Vượng, người con trai thứ hai và con dâu của gia đình. Đây là một mối tình tuyệt đẹp, một tình yêu điển hình thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tình yêu được hun đúc từ thủa hàn vi chăn trâu, cắt cỏ cho đến khi trưởng thành. Tình yêu ấy thật tự nhiên như củ khoai, củ sắn. Mơn mởn như bãi mía nương dâu, như vồng khoai, luống lạc. Có đôi khi tôi thấy lung linh như cuộc chơi nhả bắt hay chơi trốn tìm. Tình yêu của một chàng thanh niên đôn hậu, nhanh nhẹn, hoạt bát và khoẻ mạnh với cô thôn nữ nhu mì, đằm thắm, kín đáo, dễ thương. Tình yêu ấy đã vượt qua đói nghèo và năm tháng chiến tranh để kết nên duyên chồng vợ. Tôi thật sự xúc động và ấn tượng vô cùng khi bắt gặp hình ảnh hai vợ chồng anh Kiêm chia tay ở bến xe trước khi anh lên đường ra trận. Anh gửi hết tiền lại cho chị, chị không cầm tiền vì chị lo cho anh cần tiêu nhiều thứ... Anh cởi chiếc khăn dù quàng lên cổ cho chị... và những giọt nước mắt thánh thiện của chị ứa ra, bịn rịn, dùng dằng, không muốn rời xa anh. Bất chợt chị gục đầu vào vồng ngực vạm vỡ của anh nức nở, tủi hờn vì chưa bao giờ chị khóc như thế. Còn anh thì ôm chị vào lòng mà vỗ về an ủi: Anh sẽ sớm về với em! Thôi! Em về đi... Trong hoàn cảnh hiện tại, anh chị hiểu ra chân lý một điều rằng "khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau". Một hình ảnh cận cảnh, thật bùi ngùi, thật da diết, thật xúc động, thật đẹp và thật nhân văn... 
Nào ngờ đâu phút giây chia tay ngày ấy là phút giây sau cùng, vĩnh viễn không bao giờ trở lại trong cuộc đời của một người lính nơi chiến trường bão lửa với người vợ thân yêu ở nơi hậu phương quê nhà. Chiến tranh thật tàn ác và nghiệt ngã đã cướp đi niềm hạnh phúc ngọt ngào của anh chị.
Anh Kiêm đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng anh vẫn tiếp tục ra chiến trường do tình hình cuộc chiến đang vào giai đoạn khốc liệt nhất. Và anh đã anh dũng hy sinh sau một trận đánh ác liệt trên chiến trường Tây nguyên năm 1965. Người lính chiến ấy đã ra đi, anh đã hoá thân vào lòng đất mẹ với ước mong một ngày không xa đất mẹ sẽ bình yên và mãi mãi trường tồn.
Ở hậu phương nơi quê nhà, người vợ của anh, chị Lê Thị Vượng, một Bí thư chi đoàn, Uỷ viên ban chấp hành xã đoàn, Trung đội trưởng nữ dân quân, người phụ nữ nhu mì, đảm đang ấy đã vững vàng gánh vác gian lao thay anh trong những ngày xa vắng, phấn đấu để xứng đáng với anh.
Rồi một ngày chị đã kiên cường hy sinh trong một trận chiến đấu nảy lửa giữa bầu trời và mặt đất. Cả trận địa pháo của chị bị máy bay địch phóng tên lửa oanh tạc, chị đã ra đi khi khói bụi trận địa còn đặc quánh không rõ mặt người. Mọi người tiếc thương chị bằng những tâm sự cháy lòng:

Chiến tranh đã cướp đi tất cả. 
Anh ra chiến trường, chị chắc súng giữ quê.
Người ra đi không hẹn ngày về.
Người ở lại tay cày, tay súng.
..............
Trên mâm pháo chị anh dũng hy sinh.
Trong tư thế tiến công của người chiến sỹ.
Tổ quốc, nhân dân muôn đời nhớ chị.
Trái tim em ... có chị, chị ơi!
Chiến tranh! Giặc Mỹ đã đã cướp đi cuộc đời của chị. Đã cướp đi tình yêu đẹp đẽ và nồng nàn của chị. Đã cướp đi tuổi thanh xuân, cướp đi khát vọng ngày đoàn tụ trở về của một mái nhà. Giặc Mỹ đã cướp đi ước mơ chính đáng một hạt mầm xanh nảy nở trong tình yêu hạnh phúc thiết tha và ngọt ngào trong tình chồng vợ của chị với anh Kiêm. Chiến tranh chính là tội ác. 
Trong căn nhà nhỏ bé ấy, chàng sinh viên khoa Sinh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh Bùi Khắc Tường, là bạn đồng khoá với anh Hoàng Liêm. Anh đang theo học năm thứ ba của trường. Với hoàn cảnh gia đình anh thì anh có thể yên tâm phấn đấu theo học hết đại học. Nhưng trái tim và nhiệt huyết của người thanh niên trước khí thế hừng hực của dân tộc trong cuộc trường chinh cứu nước vĩ đại đã thôi thúc anh, và anh lại giấu gia đình và địa phương để gác bút nghiên, lên đường cùng bạn bè tòng quân ra trận. Con đường anh và đồng đội đi từ Bắc vào Nam qua mưa bom, bão đạn, qua trăm suối ngàn khe. Oằn trên vai người sinh viên ấy là trách nhiệm và tình yêu tổ quốc thiêng liêng. Anh đã gác lại góc riêng tư đẹp đẽ nhất, trong ngần nhất, thánh thiện nhất của mình với một người thiếu nữ tên Phương để băng mình vào chiến trường lửa đạn. Anh! Người lính trinh sát dạn dày, gan góc đã chiến đấu ngoan cường cùng đồng đội tiêu diệt kẻ thù trong nhiều đêm vượt rừng cũng như xung kích trong công sự địch. Trong khói lửa bom đạn của chiến tranh, anh vẫn là một chàng trai lạc quan, mơ mộng và yêu đời. Bài hát “Giờ này anh về đâu” vẫn được anh cất lên cùng đồng đội sau những phút giây hiếm hoi im tiếng súng hay sau mỗi lần thắng trận... Một ngày không bình yên, trong một lần đi trinh sát, anh đã anh dũng hy sinh mang theo cả lời ca và giai điệu bài hát “Giờ này anh về đâu”. Và bài hát ấy như là định mệnh đã gắn chặt Nguyễn Khắc Tường với đồng đội Hoàng Liêm để sau này người còn người mất không thể tách rời nhau được nữa. Như một phép nhiệm màu. Khi bài viết “Bùi Khắc Tường - Giờ này anh về đâu” của anh Hoàng Liêm được đăng trên báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam thì đây chính là nhân duyên cho đồng đội và những người thân yêu anh Bùi Khắc tường tìm về gặp nhau trong cuộc sống thực tại. 
Anh Bùi Khắc Tường ơi! Máu xương anh đã hoà trong lòng đất đỏ miền Đông. Nơi ấy, những cánh rừng ngát xanh ru anh ngủ trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng đội, bè bạn và gia đình. Anh ngã xuống, bỏ lại đằng sau những đau thương khắc khoải, những yêu thương vô bờ, những ngóng trông đau đáu, mòn mỏi đến nhoè mờ trong đôi mắt mẹ già.
Mẹ Lâm Thị Lam! Trong lời kể của Hoàng Liêm đã vượt lên số phận, đã gánh chịu tận cùng nỗi đau mất mát những đứa con yêu dấu của mình rứt ruột đẻ ra. Mẹ gánh gồng đau thương ấy suốt một đời người. Trước anh linh của mẹ, Hoàng Liêm đã khóc ngất và thốt lên rằng: Mẹ ơi! Sao đôi vai bé nhỏ của mẹ ... lại phải mang gánh nặng giang sơn!? Sao đời mẹ lại khổ đau nhiều đến thế!
Đời mẹ Lam đã hai lần gạt nước mắt tiễn con ra trận nhưng bốn lần mẹ nhận giấy báo tử của các con mình. Có đau đớn nào đau hơn thế nữa không? Mẹ sống trong hy vọng mong manh, mẹ oằn mình cõng đau thương một đời còm cõi. Nỗi đau như những nhát dao cùn cứa vào da thịt mẹ mà không biết san sẻ cùng ai. Nuốt nỗi đau ưng ức vào trong, nỗi đau chìm cả vào giấc mơ của mẹ. Bao đêm mẹ khóc thầm gọi tên các con: Tường ơi! Con ở đâu! Sao con không thư về cho mẹ. Con có hiểu lòng mẹ đang rối bời không con...
Và rồi nỗi đớn đau không chỉ còn là tiếng nấc. Mẹ đã phải bật lên, vật vã khóc oà: Khới ơi! Kiêm ơi! Vượng ơi! Tường ơi... các con tôi đang ở đâu... Ai đưa các con tôi về cho tôi.... 
Chiến tranh đã mang các con mẹ đi, chỉ còn lại lời khóc than như xé lòng của người mẹ bao năm trời đằng đẵng trông con để ngày trở về của các con chỉ là những mảnh giấy báo tử nhuộm đỏ máu của chiến trường tàn khốc.
Năm 1975, khi đất nước hoà bình thì cũng là lúc nỗi đau của mẹ lên đết tột cùng. Những người lính từ khói lửa trở về mang theo cho gia đình và những người thân yêu bao nhiêu niềm vui hân hoan và hy vọng ngập tràn. Còn mẹ, vẫn đau đáu nuôi hy vọng, mẹ gặp anh bộ đội nào trở về cũng hỏi thăm. Có đớn đau nào bằng khi niềm hy vọng về những đứa con của mẹ cứ ngày một lụi tàn. 
Tôi quặn thắt khi đọc được hình ảnh mẹ đối thoại với một người lính trở về:

- Anh có gặp thằng Tường con tôi không?

- Cháu không gặp anh Tường đâu bác ạ!

- Anh nói dối... Anh có gặp nó....Nó là thằng ... sinh viên...
- Ới Tường ơi.... sao con không về .. với mẹ...
Nỗi đau của mẹ lên đến tột cùng trong tất cả những nỗi đau. Và tháng 11/1975 mẹ lại nhận chiếc giấy báo tử thứ tư. Người con trai của mẹ, anh Bùi Khắc Tường đã chia xa mẹ mãi mãi ở nơi chiến trường đất đỏ Miền Đông nam của tổ quốc. 
Bao năm đã trôi qua, giờ đây Cha Bùi Khắc Tráng và Mẹ Lâm Thị Lam đã trút gánh nặng dương gian để trở về với tiên tổ và bốn người con của mình trong thế giới vĩnh hằng. Nhưng nỗi đau vẫn còn đó, vẫn cào xé tâm can những người thân yêu, ruột thịt, những người đồng đội đã đồng hành cùng các anh các chị trong suốt cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước. Các anh Thành, Anh Tân, Anh Tiềm, Chị Yến, chị Tuyết... các đồng đội của anh Tường như anh Hoàng Liêm, anh Võ Minh, anh Trần Anh Phương... Những người lính kiên trung trở về sau cuộc chiến vẫn đau đáu những lời ước hẹn với đồng đội và bạn bè. Vẫn miệt mài kiếm tìm thông tin để quyết tâm quy tập mộ của các anh trở về yên nghỉ trong vòng tay yêu thương của gia đình trên quê hương đất mẹ. 



Cuốn sách vẫn mở ra trước mặt tôi với lời văn như những lời tâm sự mộc mạc, chân thành, dản dị đến nao lòng của Hoàng Liêm. Tôi đã rất nhiều lần rơi nước mắt khi đọc cuốn nhật ký của chị Đặng Thuỳ Trâm, cuốn nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc với tựa đề Mãi mãi tuổi 20. Tôi đã cảm nhận được ý chí kiên cường, niềm kiêu hãnh và giá trị ngọn lửa hừng hực bùng cháy trong lòng của một thế hệ thanh niên Việt nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chính vì vậy với Hoàng Liêm, tôi lại càng đồng cảm với anh hơn. Bởi tôi hiểu anh không những là tác giả cuốn sách “Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” mà còn là một người lính kiên gan, trực tiếp chiến đấu cùng các đồng chí của mình qua suốt chiều dài những tháng năm ra trận. Một người lính từ trong khói lửa khốc liệt của chiến tranh bước ra. Cái mặn mòi, chan chứa tình nghĩa yêu thương bạn bè, đồng đội. Những sớt chia phút giây hạnh phúc và đớn đau, ngọt ngào và cay đắng đã cho anh bản lĩnh của một người lính với tính cách chân thành đến lạ. 
Cuốn sách “Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” của anh như những thước phim cận cảnh quay chậm về những trận chiến đấu giằng co, những gian nguy khắc nghiệt đến từng giây, từng phút, những mong manh nghẹt thở trong gang tấc để giành giật giữa sự sống và cái chết của người lính đã trải qua nơi chiến trường bão đạn. Cuốn sách đã cho ta thấy được tầm vóc khốc liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc ta mà nổi bật nhất là sự hy sinh anh dũng, kiên cường không tiếc máu xương của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc giải phóng dân tộc. Một thế hệ con người được sản sinh từ lòng yêu quê hương đất nước thiết tha. Biết vươn mình trong bão tố, biết băng thân vào hiểm nguy, không so đo toan tính thiệt hơn. Thế hệ ấy là thế hệ vàng. Chính các anh các chị đã là những con người khắc sâu vào trang lịch sử vẻ vang hào hùng của dân tộc. Thế hệ đã giữ trọn lời thề, thắp sáng niềm kiêu hãnh và lòng quả cảm như trong câu thơ:

Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa.
Vui gì hơn làm người lính đi đầu.
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.
Cuốn sách ấy cũng ánh lên những câu chuyện về tinh thần đồng đội cao cả, tình bạn chân thành, tình yêu nồng nàn, tuyệt đẹp, dản dị và chân thành, lãng mạn, thuỷ chung, son sắt mà trong trắng vô ngần. 
Tôi khép cuốn sách lại mà trong lòng tôi vẫn thầm gọi tên các anh các chị. Những người đã không tiếc máu xương hiến thân mình vì sự trường tồn của đất nước. Các anh các chị ơi. Các anh các chị sẽ không bao giờ đơn độc. Các anh các chị vẫn sống mãi, sống kiên trung và sống hiên ngang trong trái tim của triệu triệu con người trên đất nước này. Tôi nhận ra rằng trên đất nước Việt Nam thân yêu của tôi có làng quê nào không bị cày xới bởi đạn bom, có tấc đất nào không nhuốm máu của cha anh, có dòng sông nào không trở nặng lời nguyền giữ nước. Có cánh rừng nào không ru hời khi các anh an nghỉ. Có nỗi đau nào không oằn gánh tâm khảm mẹ cha. 
Hôm nay, chiến tranh đã qua đi đã mấy chục năm trời. Những người lính chiến năm xưa đã trở về, đối mặt với khó khăn vất vả mưu sinh của cuộc sống đời thường nhưng vẫn vững vàng kiên trung trong nghĩ suy và luôn trăn trở và canh cánh trong lòng thực hiện thật trọn vẹn lời ước hẹn ngày nào của những người đồng đội để mong sao các anh được an nghỉ bình yên trong thế giới vĩnh hằng. 
Tôi viết những dòng này khi đêm xuống đã rất khuya, tôi lặng lẽ bước ra ban công, ngước nhìn lên bầu trời đầy sao. Những ánh sao đang nhấp nháy. Tôi ngỡ như các anh các chị là những ánh sao lung linh đang bay trong bầu trời đầy sao kia. Những vì sao đang thì thầm nhắn nhủ cùng tôi. Và tôi hiểu một người lính như tôi hôm nay được sống trong cuộc sống thanh bình, tôi phải làm gì, phấn đấu và rèn luyện, sống đẹp thế nào để xứng đáng là đồng đội của các anh, thế hệ kế tiếp bước đi vững vàng trên con đường các anh đã từng đi. Các anh! Những anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh oanh liệt trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh để giải phóng dân tộc Việt Nam. Các anh chính là ngọn lửa bừng sáng mọi trái tim của các thế hệ hôm nay và mai sau. 
Tôi vẫn nắm chặt cuốn sách “Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ” của nhà văn, người lính Hoàng Liêm trong tay mà ngỡ như cuốn sách vẫn đang thầm thì kể về những người thân yêu của chính gia đình mình. Cuốn sách đã thổi lên ngọn lửa rừng rực cháy trong trái tim tôi về lẽ sống của ngày hôm nay. Tôi nhận ra rằng tôi rất yêu và trân trọng cuốn sách này! Tôi thầm cám ơn các anh, cám ơn các anh về tất cả. 
Tôi ngước nhìn về phía trời xa. Ngoài kia một ngôi sao đang rơi trên bầu trời. 
Thành phố vào đêm yên bình, lung linh, ngập tràn trong ánh điện vàng.

Lính già - Nguyễn Bảng
Vĩnh Long 01 giờ 13 phút - Đêm 02.12.2010
Nhằm 27.10 Canh Dần.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét